Bền vững chất lượng tăng trưởng
Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân, kể từ năm 2016, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
Niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động ngày càng được củng cố.
Đến nay, theo Chính phủ báo cáo, thì 12 chỉ tiêu về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dự kiến có 4 chỉ tiêu đạt và 8 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đáng nói, quy mô nền kinh tế đã lên tới hơn 240 tỷ USD và vì thế, những mối lo, chẳng hạn về nợ công, đã giảm đi khi tỷ lệ nợ công đã giảm từ 64% GDP xuống còn 61%. Chi thường xuyên đã giảm từ trên 70% đầu nhiệm kỳ xuống còn khoảng 64%. Mặt khác, tích lũy cho đầu tư cũng đã tăng lên so với các năm trước.
Có thể bạn quan tâm
Tốc độ và chất lượng tăng trưởng
11:30, 19/10/2018
Tăng trưởng GDP năm 2018 có thể tăng cao hơn 6,7%
11:00, 15/10/2018
5 tồn tại ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
05:03, 11/10/2018
Không chủ quan về tăng trưởng kinh tế
11:00, 10/10/2018
WB: Tăng trưởng GDP 2018 của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,8%
11:46, 04/10/2018
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2018 đã "trong tầm tay"
17:46, 01/10/2018
- Nhưng có ý kiến cho rằng, các chỉ số vẫn chưa phản ánh đầy đủ về chất lượng tăng trưởng, thưa ông?
Dĩ nhiên, đó mới chỉ là thể hiện trên con số, còn chất lượng tăng trưởng vẫn là điều mà Chính phủ cần quan tâm, bảo đảm rằng nó thực chất hơn. Ý kiến trên cũng có cơ sở, như tôi nói ở trên. Không thể phủ nhận, chẳng hạn riêng với cơ cấu thu, Chính phủ đã “cơ cấu lại” một cách khá hợp lý. Thu không còn phụ thuộc vào khoáng sản, dầu thô, mở rộng tài chính, mà thực sự đã có những nguồn thu khác, tuy không phải lúc nào cũng thích ứng với tình hình kinh tế - xã hội. Và đương nhiên, khi thu được nhiều hơn thì những tỷ lệ về nợ công, chi thường xuyên… sẽ giảm. Cũng chính vì vậy mà mới đây, Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị Chính phủ báo cáo chi tiết hơn về tăng trưởng.
- Vậy theo ông, báo cáo chi tiết hơn về tăng trưởng phải bắt đầu từ đâu?
Tôi cho rằng: thực chất yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội chính là cần làm rõ động lực của tăng trưởng nằm ở đâu và cách thức nào để duy trì động lực ấy. Bởi các báo cáo của Chính phủ, cho đến nay đều nhấn mạnh rằng: tăng trưởng GDP có thể đạt ở mức cao, còn lạm phát thì có thể đạt được chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 4% năm 2018.
Kiềm chế lạm phát, như chúng ta thấy, chủ yếu là những công cụ điều hành mang tính hành chính. Nhưng sự bền vững của nó sẽ ra sao khi quý IV/2018 vẫn còn nhiều rủi ro ảnh hưởng tới lạm phát. Nên nhớ rằng: theo nguyên tắc quản lý rủi ro trong lĩnh vực này, thì dư địa của điều hành giá cả còn rất ít, trong đó việc điều chỉnh giá dịch vụ công của Chính phủ, dù có tác dụng tích cực cho đến nay đối với việc kiềm chế lạm phát, cũng đã bắt đầu bộc lộ những giới hạn khó có thể vượt qua.
- Những yếu tố nào khiến cho tăng trưởng đạt được “mục tiêu” như Chính phủ đã báo cáo, thưa ông?
Chúng ta để ý rằng: những nhân tố vĩ mô của nền kinh tế đã bước đầu cải thiện, cách thức tăng trưởng cũng dần cải thiện như tôi đã nói ở trên.
Mặt khác, Chính phủ đã đặt cải cách thể chế là một nhiệm vụ trọng tâm hơn. Cụ thể như việc Chính phủ yêu cầu các bộ cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh để cải thiện kinh doanh là một nỗ lực mang lại hiệu quả.
Nhưng cần chú ý rằng: những tác động tích cực cho đến nay mới chỉ là thay đổi chính sách mà chưa thực sự thấm sâu, làm thay đổi hành vi công vụ. Bởi vậy mà mới đây, ngay chính Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cũng phải thừa nhận: “Dân vẫn nghi ngờ cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa thực chất”.
Ở góc nhìn khác, tôi cho rằng điều đó cũng có nghĩa là, nỗ lực của Chính phủ là rất cao. Những tồn tại của nền kinh tế đang được Chính phủ dành một quỹ thời gian khá lớn để giải quyết. Trong khi phải giải quyết những vấn đề như tăng nguồn thu, phân bổ ngân sách sao cho hiệu quả, giảm tình trạng đầu tư công phân tán… thì Chính phủ cũng kịp thời giải quyết những vấn đề cụ thể khác như 12 dự án thua lỗ ngành công thương hay thanh tra đột xuất cao tốc Quảng Ngãi – Đà Nẵng khi có dư luận.
- Ông nhìn nhận về tương lai kinh tế năm 2019?
Tôi cho rằng: tương lai tăng trưởng 2019, ngoài bối cảnh trong nước, Việt Nam đang phụ thuộc và gắn kết sâu hơn với chuyển biến kinh tế toàn cầu. Dự báo xu thế kinh tế thế giới 2019 là tích cực, tuy vậy Chính phủ cũng không xem nhẹ những rủi ro và thách thức tiềm ẩn.
Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 2019 mà Chính phủ báo cáo trước UB Thường vụ Quốc hội chắc chắn sẽ được thảo luận kỹ hơn tại kỳ họp Quốc hội lần này. Bởi những chỉ tiêu như tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, CPI… sẽ tác động to lớn đến kế hoạch trung hạn và dài hạn.
Một yếu tố quan trọng khác mà Chính phủ đã nói đến rất nhiều, đó là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện nay, với các điều kiện thuận lợi, từ quyết tâm chính trị đến không khí cải cách, thì không có lý do gì để bỏ lỡ cuộc cách mạng này nữa. Tôi nghĩ, Chính phủ cần hành động quyết liệt hơn để nhập cuộc cách mạng 4.0. Đây sẽ là yếu tố có thể tạo ra bứt phá ngoạn mục trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông.
Ông Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương: Chất lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang tốt lên Báo cáo chính thức của Chính phủ xác định tăng trưởng của 9 tháng năm 2018 cao nhất trong 8 năm qua. Điều này không ngạc nhiên, bởi chúng ta đã ổn định theo hướng ngày càng vững chắc hơn. Trên thực tế, hai yếu tố có tính chất nền tảng là kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh đang chuyển hướng rõ nét, là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng. Và cũng chính từ nền tảng này, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2018 đã đạt được những kết quả rõ nét. Đơn cử, nông nghiệp nước ta hai năm nay tăng trưởng khoảng 4%, có thay đổi về chất và cơ cấu sản phẩm. Tái cơ cấu doanh nghiệp (DN) nhà nước có những thay đổi về chất với việc thay đổi cách thức quản lý DN, thay đổi về cơ cấu đầu tư của DN, cổ phần hóa... Báo cáo đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cũng nhấn mạnh chuyển động này. Theo báo cáo, tăng trưởng kinh tế đang chuyển sang chiều sâu. Mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng ngày một lớn, năm 2016 là 40,68%, tăng lên 45,19% năm 2017. Năng suất lao động có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm dần khai khoáng; vai trò của khu vực tư nhân gia tăng… Từ những yếu tố như vậy, tôi nhìn thấy cách thức tăng trưởng tốt lên. Tăng trưởng đã không dựa vào khai thác khoáng sản hay mở rộng cung tiền tệ, mà dựa nhiều hơn vào phía cung của nền kinh tế, dựa vào tăng năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực. |