Quốc hội thông qua danh sách 48 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm
Chiều 24/10, các đại biểu bắt đầu quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Ông Trần Văn Tuý - Trưởng Ban Công tác đại biểu đọc tờ trình về dự kiến danh sách 48 người được lấy phiếu tín nhiệm.
Có thể bạn quan tâm
Lấy phiếu tín nhiệm: Sức nặng của niềm tin cử tri
13:35, 24/10/2018
Lá phiếu tín nhiệm
06:17, 24/10/2018
Đại biểu Quốc hội nói gì trước phiên bỏ phiếu tín nhiệm?
05:00, 24/10/2018
Lấy phiếu tín nhiệm: "Thước đo" hiệu quả hoạt động của các vị Bộ trưởng?
05:05, 23/10/2018
Tờ trình số 338 ngày 24/10 nêu rõ, tại kỳ họp này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên UBTVQH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Trong số những người giữ chức vụ thuộc diện Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm lần này có hai chức danh vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn là Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ không phải lấy phiếu tín nhiệm.
Bởi lẽ, theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị quyết số 85/2014/QH13, Quốc hội không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn có thời gian đảm nhiệm chức vụ liên tục chưa đủ 9 tháng, tính đến ngày khai mạc kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của Quốc hội.
Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử (tỷ lệ 100%) và thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan.
Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được Quốc hội tiến hành bằng bỏ phiếu kín vào sáng 25/10. Kết quả được công bố vào chiều cùng ngày.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, việc lấy phiếu tín nhiệm là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.