Khó xác minh nguồn gốc tài sản không minh bạch

Hồng Hương 25/10/2018 17:42

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng nay (25/10), nhiều Đại biểu băn khoăn sẽ khó xác minh nguồn gốc tài sản không minh bạch.

Phân tích phương pháp xác định tài sản không minh bạch, các đại biểu cho rằng đây là việc rất khó thực hiện mỗi cán bộ, cá nhân có tài sản từ rất nhiều nguồn khác nhau. 

Nhiều ĐB băn khoăn sẽ khó xác minh nguồn gốc tài sản không minh bạch

Nhiều đại biểu băn khoăn sẽ khó xác minh nguồn gốc tài sản không minh bạch

Có thể bạn quan tâm

  • Giải quyết tài sản bất minh bằng quy trình tố tụng

    10:12, 07/09/2018

  • Lúng túng xử lý tài sản bất minh

    12:03, 20/07/2018

  • Đánh thuế tài sản là phù hợp với thông lệ quốc tế?

    10:30, 27/06/2018

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) khẳng định, theo quy định của pháp luật, nếu tài sản trốn thuế phải tiến hành truy thu, còn những tài sản do phạm tội mà có, cơ quan chức năng mới có quyền tịch thu. Tài sản không giải trình được về nguồn gốc nhưng cơ quan nhà nước cũng không chứng minh được tài sản đó do phạm tội mà có thì không thể truy thu hoặc đánh thuế.

Theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, tài sản tích lũy trong dân hiện nay khá nhiều và đã trở thành truyền thống. Trong gia đình người Việt Nam có rất nhiều loại tài sản khác nhau gồm tài sản sở hữu chung và tài sản sở hữu riêng. Khi tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân được coi là tài sản sở hữu chung. Tuy nhiên, trong đó lại có những trường hợp tài sản riêng của vợ, hoặc chồng, hoặc con của cán bộ mà những thành viên đó không làm việc trong cơ quan nhà nước thì không nên đưa vào diện kê khai. 

Cũng theo ý kiến đại biểu Sinh, nếu có quan chức năng không chứng minh được số tài sản riêng của các thành viên trong gia đình cán bộ là tài sản phạm pháp nhưng vẫn quyết tâm thu hồi thì vi hiến theo quy định của pháp luận hiện hành. Đại biểu Nguyễn Tiến sinh cho rằng, cán bộ, lãnh đạo chỉ có trách nhiệm giải trình với nhà nước tài sản của cá nhân họ, còn lại tài sản riêng của vợ hoặc chồng, con nếu do hành vi bất hợp pháp mà có thì sẽ bị xử lý theo pháp luật. 

"Cả hai phương án đưa ra đều rất khó khả thi vì những giải pháp chúng ta đưa ra mới chỉ giải quyết phần ngọn. Quan trọng là phải giải quyết phần gốc khi kiểm soát tốt hành vi trực tiếp và gián tiếp dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật về tham nhũng", đại biểu Sinh nêu ý kiến. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cho rằng, nếu người thân trong gia đình kinh doanh bên ngoài mà có tài sản thì cơ quan chức năng phải sàng lọc, phân biệt được việc hình thành tài sản của vợ hoặc chồng do đâu mà có. "Nhà nước đang khuyến khích nhân dân làm giầu, nếu như đó là tài sản do kinh doanh mà có thì không thể coi đó là tài sản tham nhũng được", đại biểu khẳng định. 

Bên cạnh đó, đại biểu Lợi nhấn mạnh, khi xem xét những tài sản do tham nhũng mà có, có quan chức năng không chỉ quan tâm đến các cán bộ làm việc trong cơ quan nhà nước mà còn có cả những đối tượng thuộc khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, đó chỉ là những đối tượng tư nhân nhưng tham gia vào các dự án được đầu tư bằng ngân sách và có liên quan đến các công trình của nhà nước thì mới có điều kiện để tham nhũng. 

Phân tích về việc xử lý tài sản không rõ nguồn đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) khẳng định, các phương pháp hiện nay rất khó thực hiện vì chưa khả thi. Theo đại biểu Trí, tài sản khi chưa xác định là do tham nhũng mà tịch thu luôn thì không có cơ sở, còn đánh thuế thì đánh bao nhiêu phần trăm cũng khó xác định vì nhiều tài sản do bố mẹ để lại, hoặc bạn bè người thân cho tặng. Theo đại biểu, vấn đề này cần phải tiếp tục nghiên cứu và xem xét kỹ thêm vì nếu không đánh thuế, cũng có thể vô để lọt nhiều tài sản bất minh. 

"Đối tượng cần kê khai nên được giao cho một thời gian nhất định, từ 3 đến 6 tháng phải kê khai tài sản đầy đủ. Nếu cán bộ cố tình không kê khai sẽ không được tham gia vào các cuộc bình bầu chức danh lãnh đạo tiếp theo. Trường hợp bầu xong, nếu trúng cử mà trong quá trình công tác bị phát hiện ra có tài sản tham nhũng sẽ bị cách chức luôn",  biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến.

Sáng 25/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV tiếp tục thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được thảo luận và cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư và Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV. Ngay sau kỳ họp thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Tư pháp phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét thông qua. 

Hầu hết nội dung dự thảo Luật đã được thống nhất, riêng quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, vẫn còn nhiều phương án và ý kiến khác nhau như: Giải quyết tại Tòa án; thu thuế thu nhập cá nhân và xử phạt hành chính... Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về ưu, nhược điểm của từng phương án, cũng như các cơ sở pháp lý và thực tiễn để triển khai hiệu quả khi đưa vào Luật. 

Tại kỳ họp thứ 6 lần này, bản Dự thảo mới nhất Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) trình 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được nguồn gốc hợp lý là: Xem xét giải quyết tại Tòa án và phương án đánh thuế. Các đại biểu sẽ thảo luận, cho ý kiến để thống nhất phương án cuối cùng được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). 

Hồng Hương