Đại biểu Quốc hội thảo luận hàng loạt vấn đề “nóng” của đất nước

Châu Huệ 26/10/2018 09:45

Các đại biểu bày tỏ nhiều băn khoăn lo lắng đặc biệt là trong các vấn đề về lãng phí đầu tư công, công nghệ 4.0, hạ tầng cơ sở xã hội...

Sáng

Sáng nay, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên về kinh tế - xã hội

Sáng nay (26/10), Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận đầu tiên về kinh tế - xã hội với 69 đại biểu đăng ký. Đại đa số các đại biểu phát biểu trong sáng nay nay đều bày tỏ quan điểm đồng tình và phấn khởi trước thành công của đất nước.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn nhiều băn khoăn lo lắng đặc biệt là trong các vấn đề về lãng phí đầu tư công, đổi mới sắp xếp bộ máy còn chậm, bộ máy còn cồng kềnh, chưa tinh giản được đối tượng có đạo đức công vụ, trình độ yếu kém; lĩnh vực giáo dục còn quá nhiều lỗ hổng…

Cao tốc 34.000 tỷ vừa mưa vài trận đã hỏng

Phát biểu đầu tiên trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) bày tỏ phấn khởi tới những thành tựu mà đất nước đạt được trong thời gian qua. Song, vị đại biểu này cũng lưu ý đến nhiều vấn đề tồn tại, cụ thể như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đội vốn, đường cao tốc vừa thông xe đã hư hỏng, tình trạng thất thu thuế... cần những giải pháp căn cơ hơn.

Cụ thể, theo đại biểu, nếu như đầu nhiệm kỳ các đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt về 12 dự án thất thoát lãng phí hàng nghìn tỷ của Bộ Công Thương, bây giờ lại phát sinh nhiều dự án thất thoát lãng phí của Bộ GTVT quản lý. Điển hình như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ đồng, mới đưa vào sử dụng nhưng chỉ sau vài cơn mưa đã hỏng.

Dự án Cát Linh - Hà Đông đã điều chỉnh tăng thêm 205,7% vốn, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoạt động. Dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên (tăng 47.000 tỷ), dự kiến đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018, mới hoàn thành 52% khối lượng công việc.

Có thể bạn quan tâm

  • Hôm nay (26/10), Quốc hội thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

    04:03, 26/10/2018

  • Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận được phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất

    14:36, 25/10/2018

  • ĐB Quốc hội: Nhiều tín hiệu tốt cả về kinh tế và xã hội trong năm 2018

    16:20, 22/10/2018

  • Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV

    09:46, 22/10/2018

Theo tính toán Bộ GTVT có 27/42 dự án phải điều chỉnh tăng thêm vốn. Cứ điều chỉnh vốn, chậm đưa vào sử dụng thì sẽ thất thoát, lãng phí là nhiều vô kể. Đại biểu đề nghị Quốc hội cần xử lý nghiêm việc này, nhất là khi Bộ này chuẩn bị làm các dự án lớn như cao tốc và sân bay Long Thành, với số vốn hàng triệu tỷ đồng, thì thất thoát lãng phí là điều khó tránh khỏi.

Đại biểu Cầu cũng điểm ra một số khó khăn khác tồn tại trong nền kinh tế, như thu ngân sách 2018 tuy tăng 3% so với dự toán, song sụt giảm mạnh so với những năm gần đây. Hai thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM đều hụt thu; nợ thuế lớn lên tới hơn 83.000 tỷ đồng. 

Với giáo dục đào tạo, ông nói, năm 2017 đề thi quá dễ đã tạo ra những "cơn mưa điểm 10", nhưng năm 2018 quá khó, dẫn tới việc phát hiện gian lận trong thi cử ở nhiều tỉnh, thành. "Đây là những vấn đề cần có giải pháp căn cơ thời gian tới" - ông Cầu đề nghị.

Xây chung cư trong nội đô phải gắn với hạ tầng kỹ thuật, xã hội

Về vấn đề xây dựng chung cư trong nội đô, đại biểu Nguyễn Trường Giang, đoàn Đắk Nông cho rằng chung cư hiện đại là cần thiết nhưng phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, kỹ thuật mới giảm thiểu hệ luỵ phát sinh do dân số nội thành tăng nhanh, gây ách tắc giao thông như vừa qua. 

Ví dụ, quy hoạch thủ đô đến năm 2030 đặt mục tiêu có 7,3-7,9 triệu người, nhưng hiện tại số dân dự báo đã 9,6 triệu người, lớn hơn dự báo 2030. Dự báo năm 2020 là 10 triệu người, gần bằng dự kiến năm 2050. Dân số tăng nhanh, nhà chung cư cao tầng tăng rất nhanh trong nội đô, mặc dù đúng quy hoạch. Nhiều vấn đề đặt ra có nên xây dựng chung cư trong nội đô hay không.

Cần xây dựng Việt Nam số

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình, đoàn Hà Nội góp ý cần có chính sách thúc đẩy nhanh, mạnh công nghệ thông tin để phát triển nền kinh tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Bình cho rằng, để phát triển công nghiệp 4.0, trước hết cần nhận thức đúng về yêu cầu chuyển đổi số. Vì vậy, Chính phủ nên nhanh chóng đưa ra danh sách các tài sản số quốc gia cần được xây dựng, hướng đến xây dựng thương mại điện tử, thanh toán điện tử, các dịch vụ thông minh...

Tiếp theo, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng điều chỉnh những việc chưa đúng, chưa đầy đủ về công nghệ thông tin. Ông Bình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng hạ tầng số quốc gia và tài sản số quốc gia. Trong hạ tầng số quốc gia, hạ tầng dữ liệu là quan trọng nhất, phải có chính sách mở cửa, chia sẻ dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cá nhân có thể sử dụng.

Cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 đơn vị phá sản

Góp ý thảo luận, Đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc muốn Chính phủ giải trình rõ "động lực tăng trưởng GDP 2018 do đâu", khi một số chỉ tiêu như dịch vụ, tăng năng suất lao động, đóng góp các nhân tố tổng hợp (TFP) thấp hơn 2017 và không đạt mục tiêu 2018; giải ngân vốn ngân sách 3 năm chưa năm nào đạt mục tiêu..."Ngân sách thu năm 2018 ước vượt 3% dự án, nhưng tăng ở lĩnh vực nào là chính, vì sao khoản thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế chính lại không đạt?" - ông hỏi. 

Đại biểu này cũng cho rằng cần làm rõ việc cứ 100 doanh nghiệp lập mới thì 77 phá sản. "Vì sao số doanh nghiệp phát triển chững lại, số giải thể tăng cao trong khi môi trường kinh doanh được báo cáo là đang đẩy mạnh cải thiện. Với đà này mục tiêu đạt một triệu doanh nghiệp có đạt được?".

Châu Huệ