Logistics đóng góp GDP thấp, chi phí của doanh nghiệp lại cao
"Đóng góp của ngành logistics trong GDP còn khiêm tốn, nhưng ngược lại chi phí của tổ chức, doanh nghiệp bỏ ra cho logistics thì rất cao, hoàn toàn ngược với thế giới".
Đây là một trong những lưu ý mà Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 diễn ra hôm nay (7/12) tại Hạ Long, Quảng Ninh với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế”.
Đây là lần thứ 5 Diễn đàn này được tổ chức, có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội logistics Việt Nam và hàng trăm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.
Cần phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp logistics
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ phải cao hơn mức tăng của GDP bình quân. Logistics là ngành có giá trị gia tăng cao trong khối ngành dịch vụ cần được quan tâm phát triển nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra một chỉ số “ngược” trong phát triển logistics tại Việt Nam nhiều năm trước đây là đóng góp của ngành này trong GDP còn khiêm tốn, chỉ 3-4%, nhưng ngược lại chi phí của tổ chức, doanh nghiệp bỏ ra cho logistics thì rất cao, hoàn toàn ngược với thế giới.
Nhận định được vai trò của logistics trong nền kinh tế mở, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam.
Hiện cả nước chỉ có 3.000 doanh nghiệp logistics, hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
Nghị quyết số 36-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó cũng nhấn mạnh nhu cầu xây dựng, hoàn thiện hạ tầng logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế.
Sau các Quyết định của Thủ tướng và Nghị quyết của Trung ương, Phó Thủ tướng cho biết logistics bứt phá mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng tăng trưởng. Ba năm qua, ngành này đạt mức tăng trưởng từ 12-14%. Năm 2018, WB đã xếp hạng Việt Nam ở thứ 36/160 quốc gia được nghiên cứu về logistics toàn cầu, tăng 35 bậc so với 2016 và sếp thứ 3 trong các nước ASEAN.
Nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh đòi hỏi của nền kinh tế là lớn hơn so với khả năng cung cấp logistics hiện nay, đặc biệt là phải phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp logistics khi hiện nay cả nước mới chỉ có 3.000 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng hiện nay và hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chưa có các tập đoàn logistics lớn đủ khả năng cạnh tranh ở trong khu vực và trên thế giới.
“Phải mở rộng thị phần trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế, làm sao cho đóng góp của ngành này với GDP tăng lên và chi phí cho logistics thấp xuống, theo chủ trương là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính phủ kỳ vọng vào sự hiến kế của các nhà quản lý, nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp qua Diễn đàn này”, Phó Thủ tướng nói.
Có thể bạn quan tâm
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp ngành logistics Việt Nam ra sao?
05:10, 07/12/2018
Hà Nội muốn tiên phong về logistics
01:54, 17/11/2018
Logistics thông minh và những chuyến xe "chạy rỗng"
11:09, 15/11/2018
Thời điểm chính muồi để logistics tăng trưởng?
04:27, 22/10/2018
Cần đẩy mạnh liên kết trong lĩnh vực logistics
08:00, 09/10/2018
Đường sắt quên “đánh thức” logistics
07:00, 18/08/2018
“Lực kéo” bất động sản logistics
06:00, 25/08/2018
Sẽ thể chế hoá phát triển logistics vào Nghị quyết số 01 của Chính phủ năm 2019
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng cho rằng cần quan tâm tới cả kết nối nội vùng kinh tế động lực. Nhà nước với tư cách kiến tạo, sẽ xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát tiển KT-XH nói chung trong đó có quy hoạch kết cấu hạ tầng và cả phát triển logistics. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế, trong và ngoài nước để triển khai chuỗi giá trị các sản phẩm, dịch vụ logistics.
Theo Phó Thủ tướng, có bốn vấn đề cần tập trung để thúc đẩy logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, kết nối kinh tế là một trọng tâm, trong đó ưu tiên hàng đầu là kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; Thứ hai, hợp tác thương mại, đầu tư, nâng cao hiệu quả và chất lượng kết nối cơ sở hạ tầng thương mại, hạ tầng giao thông và đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin; Thứ ba, đổi mới tư duy sáng tạo ứng dụng công nghệ trong kết nối hợp tác phát triển ngành dịch vụ logistics xanh; Thứ tư, tăng cường phối hợp liên ngành và tạo thuận lợi hóa thương mại giữa các nước trong khu vực ASEAN.
“Chính phủ, chính quyền địa phương không xây dựng các chuỗi giá trị này mà vai trò, trách nhiệm thuộc về khối doanh nghiệp, tư nhân”. - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Chính phủ muốn phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp logistics trên nền tảng hạ tầng giao thông đồng bộ, môi trường kinh doanh thuận lợi để tăng cường liên kết các vùng kinh tế trong nước và giữa Việt Nam với thế giới.
Phó Thủ tướng cũng đặt ra bài toán cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp, Hiệp hội logistics Việt Nam phải phát triển hiện đại và mở rộng quy mô của ngành này trong bối cảnh triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và thương mại điện tử.
“Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến giá trị về phát triển logistics và sẽ thể chế hoá vào Nghị quyết số 01 của Chính phủ năm 2019”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thông tin thêm.
Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cũng nêu ra 4 vấn đề lớn mà các cấp, các ngành, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics cần lưu tâm hơn nữa nhằm tận dụng tối đa lợi ích quá trình hội nhập của Việt Nam mang lại: Một là, thách thức về hạ tầng phục vụ ngành dịch vụ logistics của Việt Nam; hai là, mở rộng thị trường dịch vụ logistics của Việt Nam; ba là, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics của Việt Nam; bốn là, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản và minh bạch các thủ tục hành chính tạo môi trường kinh doanh dịch vụ logitsics thuận lợi, thông thoáng. Cũng trong khuôn khổ của Diễn đàn lần thứ 6, Bộ Công thương đã trao tặng Bằng khen cho 10 tổ chức, doanh nghiệp và 10 cá nhân có thành tích và đóng góp vào sự phát triển của ngành Logistics Việt Nam. Cũng tại Diễn đàn, đã diễn ra 4 Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội nhằm thúc đẩy, tạo đột phá phát triển dịch vụ logistics trong thời gian tới. |