Kiểm toán Nhà nước có thể bị kiện ra toà?

Thy Hằng 11/03/2019 11:50

Tờ trình dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 có nội dung đáng chú ý là cho phép đối tượng bị kiểm toán có thể khiếu nại, kiện Kiểm toán Nhà nước ra tòa.

Tại phiên họp sáng 11/3 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. 

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. Ảnh: Quochoi.vn

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015. Ảnh: Quochoi.vn

Theo đó, sau 3 năm triển khai, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cho rằng, cần thiết phải sửa, do nhiều vấn đề mới phát sinh cần phải giải quyết. Một số quy định bộc lộ những bất cập hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp như phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với các luật khác có liên quan.

“Sửa luật còn để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra, làm ảnh hưởng tới hoạt động của cơ quan, tổ chức liên quan...”, ông Phớc cho biết.

Một trong những quy định mới đáng chú ý của dự luật là cho phép đối tượng bị kiểm toán có thể khiếu nại, kiện KTNN ra tòa. Cụ thể, dự luật bổ sung quyền kiến nghị, khiếu nại đối với báo cáo kiểm toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến việc sử dụng, quản lý đất đai, quản lý tài chính công, tài sản công.

Đồng thời, dự luật cũng dự kiến trao thêm quyền cho Tổng KTNN như quyết định việc niêm phong tài liệu, kiểm tra tài khoản của đơn vị được kiểm toán hoặc cá nhân có liên quan, ra quyết định về việc phải nộp ngân sách nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết quả kiểm toán của KTNN.

Thảo luận về nội dung dự luật, trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng ý quy định quyền khiếu nại và khởi kiện ra tòa đối với các kết luận và báo cáo kiểm toán (hiện nay chưa có quy định). 

"Nhưng luật cần quy định cụ thể, ví dụ khiếu nại cấp dưới của Tổng KTNN thì Tổng KTNN giải quyết, nhưng người ta khiếu nại chính Tổng KTNN thì ai giải quyết?", bà Hải nêu vấn đề.

Một quy định mới khác được KTNN đề nghị nhưng đang có quan điểm khác nhau, đó là dự kiến trao quyền xử phạt cho KTNN. 

Từ phân tích về chức năng, nhiệm vụ, vị trí của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng trước đây KTNN được thành lập trên yêu cầu là phải có cơ quan độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, do Quốc hội thành lập. "Một cơ quan độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, nếu không trao quyền cho họ được xử phạt thì rất băn khoăn. Chúng tôi đề nghị nên cho phép KTNN có quyền xử phạt", bà Nga bày tỏ.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ đồng tình với 5/18 nội dung sửa đổi, bổ sung. Hai nội dung đề nghị chỉnh sửa lại, 11 nội dung là các vấn đề lớn thì đa số ý kiến chưa đồng tình vì không thực sự cần thiết hoặc chưa đảm bảo công bằng.

“Nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung thể hiện trong dự thảo luật chưa được sự đồng tình của các bộ, ngành liên quan”, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • 5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    09:46, 11/03/2019

  • Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề xuất xoá nợ hơn 27.700 tỷ đồng tiền thuế

    Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề xuất xoá nợ hơn 27.700 tỷ đồng tiền thuế

    06:47, 11/03/2019

  • Thu ngân sách Nhà nước đã vượt 7,8% dự toán Quốc hội giao

    Thu ngân sách Nhà nước đã vượt 7,8% dự toán Quốc hội giao

    21:11, 02/02/2019

Một số ý kiến đề nghị trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội chưa xem xét sửa đổi bổ sung luật, cơ quan thẩm tra phản ánh.

Liên quan đến quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán, Chủ nhiệm Hải cho biết Thường trực Uỷ ban thống nhất với việc bổ sung quy định này nhằm bao quát toàn diện quyền và lợi ích của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Tuy nhiên, việc quy định "cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện quyền khiếu nại..." là mở quá rộng so với phạm vi được quyền khiếu nại, chưa chặt chẽ. Đề nghị quy định theo hướng "đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán...".

Do còn nhiều quy định trong dự luật chưa được sự thống nhất giữa cơ quan trình (KTNN) và cơ quan thẩm tra (Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách), các thành viên Ủy  ban Thường vụ Quốc hội đề nghị hai cơ quan cần trao đổi, thảo luận, làm rõ các nội dung, vấn đề mới còn quan điểm khác nhau, tiếp tục chỉnh lý dự án luật để trình Quốc hội xem xét.

Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 5 dự án luật gồm dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước;  dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); dự án Luật Kiến trúc; dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự án Luật Thư viện và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền nợ thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã giai đoạn 2019-2021. Nghị quyết quy định chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng, Thiếu tướng chưa được quy định cụ thể trong Luật Công an nhân dân năm 2018. Xem xét, quyết định việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên và thị trấn Vĩnh Viễn thuộc huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang. 

Thy Hằng