Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói gì về nợ đọng thuế?

Nguyễn Việt 13/03/2019 16:23

Mặc dù số thu hồi nợ đọng tăng dần qua các năm, tính đến cuối năm 2018 giảm xuống chỉ còn 7%, tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã cho biết như vậy tại phiên họp về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, chiều 13/3.

Nhiều nguyên nhân gây nợ thuế

Thông tin tại phiên họp cho biết, tổng số tiền thuế nợ tính đến ngày 31/12/2017 là 78.466 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.261 tỷ đồng) so với thời điểm ngày 31/12/2016.

Cụ thể, cơ quan Thuế quản lý là 73.145 tỷ đồng, giảm 2,8% (2.108 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016; bằng 7,6% tổng thu nội địa năm 2017. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu (đến 90 ngày và trên 90 ngày) là 26.002 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5% tổng số tiền thuế nợ; Tiền phạt vi hành chính về thuế và tiền chậm nộp là 15.674 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 21,4% tổng số tiền thuế nợ. Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự, đã tự giải thể, phá sản, ngừng, nghỉ và bỏ địa chỉ kinh doanh là 31.469 tỷ đồng (tiền thuế nợ gốc là 19.196 tỷ đồng; tiền phạt và tiền chậm nộp là 12.273 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 43% tổng số tiền thuế nợ, bằng 3,2% tổng số thu nội địa năm 2017.

Cơ quan Hải quan quản lý là 5.320 tỷ đồng, giảm 2,8% (153 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2016. Trong đó,Tiền thuế nợ có khả năng thu là 1.361 tỷ đồng; Tiền thuế nợ không còn khả năng thu hồi là 3.834 tỷ đồng, chiếm 72% tổng nợ của toàn cơ quan Hải quan quản lý, trong đó 43,2% các khoản nợ khó thu phát sinh trước thời điểm Luật quản lý thuế sửa đổi, bổ sung có hiệu lực; Tiền thuế nợ chờ xóa, xét miễn, giảm, gia hạn là 125 tỷ đồng.

Để xảy ra tình trạng trên, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đơn cử, do có một số người nộp thuế được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất khả năng hành vi dân sự với tổng số tiền thuế nợ là 247,5 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 99,4 tỷ đồng), chiếm 0,3% tổng số nợ đọng. Có 14.816 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ đọng là 1.485 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 591 tỷ đồng); có 256 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ đọng là 688 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 251 tỷ đồng); có hơn 620.000 người nộp thuế (cả doanh nghiệp, hộ gia đình và cá nhân) không còn hoạt động kinh doanh, bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan thuế với số tiền nợ đọng là 21.846 tỷ đồng (trong đó tiền phạt và tiền chậm nộp là 8.190 tỷ đồng).

Có 229 người nộp thuế với số tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 853 tỷ đồng, trong quá trình sản xuất kinh doanh người nộp thuế bị thiên tai, hoả hoạn, bệnh dịch, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp bất khả kháng khác dẫn đến sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, mặc dù người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do gặp bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, không có khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Có 430 người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách nhà nước nhưng chưa được thanh toán nên không có nguồn nộp kịp thời dẫn đến phát sinh tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 481 tỷ đồng. Luật Quản lý thuế quy định tiền chậm nộp là 0,03%/ngày trên số tiền chậm nộp, quy định này là chế tài xử lý cần thiết. Tuy nhiên do người nộp thuế bị coi là chết, mất tích hoặc tự giải thể, phá sản không có khả năng nộp thuế nên số tiền chậm nộp ngày càng tăng qua thời gian; Tổng số tiền chậm nộp trên sổ sách kế toán cơ quan thuế của các đối tượng nêu trên là 10.465 tỷ đồng, song thực tế không có khả năng thu hồi.

Có thể bạn quan tâm

  • Kiểm toán Nhà nước có thể bị kiện ra toà?

    Kiểm toán Nhà nước có thể bị kiện ra toà?

    11:50, 11/03/2019

  • 5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    5 nội dung bị rút ra khỏi chương trình Phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    09:46, 11/03/2019

  • Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề xuất xoá nợ hơn 27.700 tỷ đồng tiền thuế

    Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về đề xuất xoá nợ hơn 27.700 tỷ đồng tiền thuế

    06:47, 11/03/2019

  • Xem xét thông qua nghị quyết về sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021

    Xem xét thông qua nghị quyết về sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021

    00:01, 11/03/2019

  • Ngăn ngừa “tranh thủ” bổ nhiệm, tuyển dụng trước khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã

    Ngăn ngừa “tranh thủ” bổ nhiệm, tuyển dụng trước khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện, xã

    00:00, 13/03/2019

Xây dựng Nghị quyết là cần thiết

Từ tình hình trên, để giải quyết toàn diện nợ đọng, Chính phủ thấy cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ đọng thuế.

Một là, thể chế hóa kịp thời chủ trương, quan điểm của Quốc hội và chính phủ đối với việc quản lý nợ thuế. Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội xử lý nợ đọng thuế căn cứ vào Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 09/11/2016 của Quốc hội; Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội khóa 14, trong đó giao Chính phủ: “...sớm báo cáo Quốc hội tổng thể các khoản nợ đọng thuế và phương án xử lý”. Trên cơ sở đó Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018, trong đó có giải pháp trình Quốc hội xử lý nợ đọng thuế.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Quốc hội ban hành Nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của các luật hiện hành”. Vì vậy, việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội là có căn cứ pháp lý.

Hai là, xử lý tiền chậm nộp hoặc tiền phạt chậm nộp nhằm tháo gỡ khó khăn về tài chính cho những doanh nghiệp có phát sinh nợ thuế do gặp nguyên nhân bất khả kháng.

Ba là, xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại lâu năm không còn khả năng thu ngân sách do người nộp thuế thực tế đã phá sản nhưng không thực hiện các thủ tục phá sản theo quy định pháp luật, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh.

Bốn là, các văn bản hướng dẫn Luật quản lý thuế chưa có quy định xóa nợ khoản tiền thuê đất nộp hàng năm việc xóa nợ đối với tiền thuê đất được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai, tuy nhiên theo quy định của Luật Đất đai và văn bản hướng dẫn thì không có quy định xóa nợ tiền thuê đất, tiền sử dụng đất. Do đó, hiện nay tồn tại nhiều trường hợp doanh nghiệp bị phá sản đã xóa các khoản nợ thuế theo Luật Quản lý thuế, tuy nhiên khoản nợ tiền thuê đất không thuộc đối tượng xóa nợ vẫn đang còn tồn tại.

Nguyễn Việt