Đề xuất tăng thuế nơi "sốt" đất liệu có hiệu quả?
Bộ Xây dựng có thể đề xuất Chính phủ điều chỉnh thuế giao dịch bất động sản để hạn chế đầu cơ, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng đề xuất này không hợp lý.
Báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội thứ XIV, Bộ Xây dựng cho biết, sẽ nghiên cứu việc bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ bất động sản.
Có phù hợp?
Hướng đề xuất là Chính phủ có thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động lớn.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu Bộ Xây dựng kiến nghị sử dụng biện pháp thuế để xử lý cơn sốt bất động sản (BĐS). Vào năm 2007, bộ này đã kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh thuế nhà đất theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các trường hợp chủ sở hữu, sử dụng có nhiều nhà, đất vượt hạn mức quy định, có nhà đất nhưng không đưa vào khai thác sử dụng nhằm hạn chế đầu cơ và tăng nguồn thu cho ngân sách.
Tuy nhiên, theo Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: “Điều chỉnh tăng thuế đối với những tỉnh thành đang có sốt BĐS để điều tiết là không hợp lý và khó khả thi”.
Bởi theo Luật sư Trần Xoa, chính sách thuế thường áp dụng chung cho tất cả các tỉnh thành, tránh phân biệt gây ra sự bất công. Hơn nữa, do “sốt” nên giá tăng nhanh nhưng cũng giảm rất nhanh. Trong khi điều chỉnh thuế sẽ qua các bước lấy ý kiến, đến khi đưa vào thực hiện nếu giá trên thị trường giảm thì tính thế nào?.
Có cùng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty luật Basico cũng khẳng định, một chính sách không thể nào chạy theo những cơn sốt của thị trường để nhằm điều chỉnh và chống đầu cơ.
“Hôm nay giá tăng nhưng mai giảm, hơn nữa “sốt” giá nhà đất có khi chỉ tập trung ở một dự án, một quận huyện mà bắt những người ở khác quận huyện cùng tỉnh thành phải chịu mức thuế suất cao là điều vô lý. Việc tăng thuế đối với những nơi sốt đất chỉ càng làm cho giá tăng thêm. Với cách tính thuế 2% trên giá bán BĐS hiện nay, người bán nhà có lỗ cũng đã phải đóng thuế là bất hợp lý rồi", ông Đức nói.
Có thể bạn quan tâm
Vạch “chiêu” thổi giá đất nền Đà Nẵng
07:00, 07/03/2019
Chỉ đấu giá đất sạch
11:09, 06/03/2019
Đà Nẵng: Rắc rối bảng giá đất mới
14:30, 01/03/2019
Thống nhất quy định đấu giá đất công
11:22, 27/02/2019
Theo lý giải từ Bộ Xây dựng, hiện một số đối tượng đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường, dẫn chứng tình trạng này ở một số địa bàn như Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang, TP.HCM.
Cùng với đó, thị trường địa ốc cũng tồn tại nhiều bất cập về giá như chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Thị trường phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản. Nhiều địa phương chưa thực hiện triệt để hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án, vẫn còn tồn tại cơ chế xin - cho trong việc giao dự án bất động sản, dễ phát sinh tiêu cực.
Cốt lõi xác định được giá thực tế
Do đó, ý kiến của các luật sư cho rằng, vấn đề không phải là tăng thuế từ 2% trên giá bán BĐS lên 4% hay 10% hay một mức nào, mà là xác định được giá thực tế để tính thuế. Bởi giao dịch BĐS giữa các cá nhân với nhau luôn tồn tại 2 mức giá, giá thực tế và giá khai tại phòng công chứng để xác định phí công chứng và thuế thu nhập cá nhân (2% trên giá bán).
“Quy định của luật hiện nay đã khá đầy đủ, vấn đề là thực hiện như thế nào. Việc giảm giá kê khai nhằm giảm mức thuế đóng ít hơn vi phạm vào tội trốn thuế, có thể sẽ bị xử lý theo luật hình sự. Thế nhưng, tình trạng 2 giá trong giao dịch BĐS ai cũng biết nhưng chưa có một vụ hậu kiểm và xử lý nào. Nên cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý thì đâu cần phải tăng mức thuế”, ông Xoa nói.
Ông Trương Thanh Đức thì cho rằng, khi các giao dịch BĐS hiện nay không bắt buộc thanh toán qua ngân hàng như một số nước đang thực hiện thì cơ quan chức năng cần điều chỉnh cập nhật bảng giá đất theo sát giá thị trường.
Trong khi đó, song song với đề xuất Chính phủ quy định thuế, Bộ Xây dựng cho biết sẽ đề nghị các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát các dự án bất động sản chậm triển khai, để đất hoang hóa, chủ đầu tư yếu kém không còn khả năng triển khai dự án để quyết định cho giãn tiến độ, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu thị trường hoặc thu hồi dự án.
Bên cạnh đó, ngành sẽ kiểm soát việc cho phép đầu tư mới các dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu tránh để tình trạng dư thừa tồn kho.
Các hoạt động khác trong đầu tư kinh doanh bất động sản cũng sẽ được thanh, kiểm tra với tần suất nhiều hơn. Dựa trên kết quả đó, Bộ sẽ công bố công khai các dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng, không thực hiện bảo lãnh, chưa nộp tiền sử dụng đất, chậm tiến độ, chủ đầu tư chậm làm sổ đỏ...
Đặc biệt, ngành cũng đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, bao gồm cả các loại hình bất động sản mới như căn hộ khách sạn (condotel), căn hộ văn phòng (officetel)...
Trước đó, từ đầu năm 2019, giá đất nhiều nơi bị "cò" thổi gây hoang mang cho người mua. Mới đây, Thống đốc NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố triển khai công tác tín dụng năm 2019.