“Sức khỏe” nguồn thu còn thiếu bền vững
Nếu nhìn vào con số báo cáo thì thấy, việc thu - chi ngân sách năm 2018 có dấu hiệu tốt hơn, số thu vượt 8% so với kế hoach, thu ngân sách trung ương cũng vượt kế hoạch.
ĐBQH Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đánh giá, con số này nhìn qua thì thấy khả quan, nhờ thu vượt đã làm cho bội chi giảm xuống, kế hoạch bội chi là 3,7%, nhưng trên thực tế chỉ có 3,46%. Qua đây cho thấy tình hình thu - chi ngân sách đang có những dấu hiệu khả quan.
- Tuy nhiên, đi sâu vào những yếu tố cấu thành thì vẫn còn những vấn đề còn phải tính đến, thưa ông?
Đó là phần tăng thu ngân sách thì chủ yếu trong khu vực đất đai, đây là nguồn thu không bền vững. Trong khi đó, thu từ khu vực sản xuất của doanh nghiệp lại không đạt, kể cả 3 khu vực. Cụ thể, khu vực DNNN khoảng 91%, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước khoảng 96%, khu vực đầu tư nước ngoài (FDI) chỉ đạt 83,6%. Như vậy, sức khỏe và khả năng tạo ra nguồn lợi từ khu vực này chưa thật sự cao như kỳ vọng.
Có thể bạn quan tâm
EVN khẳng định đang làm đúng lộ trình tăng giá, các đại biểu Quốc hội nói không
18:09, 22/05/2019
Đại biểu quốc hội đề xuất có thể bỏ thi Trung học phổ thông
11:22, 21/05/2019
Kỳ họp Quốc hội thứ 7, khóa XIV: Lần đầu tiên áp dụng Quốc hội điện tử
09:00, 20/05/2019
Ngoài ra, chúng ta cũng chưa quản lý tốt nguồn thu. Có thể đang diễn ra vấn đề nhóm các doanh nghiệp FDI mặc dù tạo ra sự tăng trưởng rất lớn, doanh thu của các doanh nghiệp này tăng rất cao, nhưng có rất nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ, thậm chí còn thâm dụng cả vào vốn. Nhưng có điều khác lạ là các doanh nghiệp này vẫn mở rộng sản xuất.
- Như vậy có nghĩa kỷ luật tài chính đang có vấn đề, thưa ông?
Kỷ luật tài chính liên quan đến việc chấp hành chi và thu. Công việc này theo báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra không có những yếu tố bất thường và đáng lo ngại, kiểm toán cũng có nhắc đến tình trạng chi không đúng nguyên tắc, không đúng dự tóan, không đúng nguồn…Tuy nhiên, để xảy ra tình trạng thất thu ở khu vực FDI không chỉ đơn thuần là kỷ luật ngân sách, mà cần phải giải pháp cụ thể để chống được chuyển giá. Đây là vấn đề phải được đặc biệt quan tâm.
- Theo ông, giải pháp đó sẽ như thế nào?
Câu chuyện chuyển giá đã được nhắc đến rất nhiều, không chỉ riêng với Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. giải pháp tổng thể lúc này là phải có được hệ thống thông tin không phải ở trong nước, mà còn cả ở nước ngoài. Trong luật quản lý thuế hiện nay có đặt ra vấn đề hợp tác quốc tế trong việc tạo ra hệ thống thông tin để không cho các doanh nghiệp FDI lợi dụng và che đậy thông tin nhằm khai báo sai giá .
Về lâu dài và cơ bản hơn, chúng ta phải đưa hệ thống các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, để tránh tình trạng các doanh FDI “làm tất, ăn cả”. Việc khai báo nằm trọn trong chuỗi của các doanh nghiệp FDI, từ đây họ che dấu được lợi nhuận. Còn nếu tham gia được vào chuỗi cung ứng thì các khâu đó sẽ được tách bạch, khi đó việc chuyện giá, trốn thuế sẽ được hạn chế.
- Còn vai trò của chính quyền địa phương trong vấn đề này, thưa ông?
Trách nhiệm địa phương phần lớn nằm ở khâu thu tại các doanh nghiệp đang được giao cho các địa phương trực tiếp quản lý. Nếu để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế thì thuộc trách nhiệm cơ quan thuế tại địa phương. Còn xảy ra tình trạng trốn thuế như hiện nay thì không thể giải quyết tại địa phương, mà phải ở tầm quốc gia, thậm chí phải có sự hợp tác quốc tế.
- Xin cảm ơn ông!