Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp và “bước cản” thủ tục phức tạp
Số doanh nghiệp phá sản tăng, hộ kinh doanh không thiết tha chuyển đổi thành doanh nghiệp, một phần do thủ tục phức tạp, chính sách thuế chưa thực sự thuyết phục.
Đó là đánh giá của ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) đánh giá trong phiên thảo luận về tình hình Kinh tế - Xã hội sáng ngày 30/5. Các đại biểu đều đánh giá cao những chỉ số kinh tế nước ta đã đạt được trong những tháng đầu năm 2019. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có không ít lo ngại được nêu ra. Theo các đại biểu khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế của đất nước, nhưng với thực trạng số lượng doanh nghiệp được thành lập và dừng hoạt động dường như đang ở mức 50/50 như hiện nay thì mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 sẽ khó có thể trở thành hiện thực.
Theo bà Phúc, phát triển doanh nghiệp còn là vấn đề khó khăn. Nếu báo cáo của Chính phủ nêu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 tăng cao thì bên cạnh đó cũng có những việc rất đáng quan tâm, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động cũng rất cao, trên 27.000 doanh nghiệp. “Đây là thực trạng phản án tình hình không thuận lợi về môi trường đầu tư, và bắt đầu từ cơ chế chính sách”, bà Phúc nói.
Từ thực tiễn tại Bình Thuận, Báo cáo của Chính phủ đã nêu việc khuyến khích chuyển đổi từ hộ sản xuất kinh doanh lên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, kết quả thấp. Qua tìm hiểu lý do, nhiều hộ cho rằng, nếu là hộ kinh doanh cá thể thì thuế đóng ít hơn, chuyển đổi mô hình doanh nghiệp thuế đóng nhiều hơn. Để đạt mục tiêu phát triển 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, theo bà Phúc cần quan tâm đến các hộ kinh doanh cá thể, đây là nguồn rất phong phú.
Có thể bạn quan tâm
Đại biểu Quốc hội nói về "điểm nghẽn” trong đầu tư công
03:29, 29/05/2019
Quốc hội chọn 4 tư lệnh ngành chuẩn bị ngồi "ghế nóng"
16:30, 27/05/2019
Đại biểu Quốc hội bàn giải pháp xử lý nợ BHXH
15:52, 24/05/2019
EVN khẳng định đang làm đúng lộ trình tăng giá, các đại biểu Quốc hội nói không
18:09, 22/05/2019
“Vì vậy, trong Báo cáo của Chính phủ, đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ thực trạng tình hình, nguyên nhân và đề ra giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể còn cao và giải quyết khó khăn trong việc hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp”, bà Phúc cho biết.
ĐBQH Trần Tất Thế (Hà Nam) cho rằng, trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã rất quyết liệt chỉ đạo cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng cho người dân và doanh nghiệp, nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành, trong số 5.000 điều kiện về kinh doanh cho đến hiện nay có 542 điều kiện được sửa đổi, 771 điều kiện được bãi bỏ, 111 điều kiện được thay thế, tính ra có khoảng 30% điều kiện kinh doanh được cắt bỏ và sửa đổi, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tổ chức quốc tế thì kết quả cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam vẫn còn rất chậm và chưa đi vào thực tế. Thực chất nhiều nội dung sửa đổi điều kiện kinh doanh chỉ nhằm mục đích tránh gây sự chú ý chứ không phải cắt giảm thực sự. Vậy nên, mức độ cải thiện về mội trường kinh doanh theo đánh giá mới chỉ đạt khoảng từ 40%-50% so với trước kia, nhiều nơi đã đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh nhưng nội dung cắt giảm cũng như hiệu quả cắt giảm vẫn là vấn đề doanh nghiệp lo ngại.
Vì có điều kiện kinh doanh đang được ẩn dưới cụm từ "thực hiện theo quy định của bộ quản lý" hoặc nhập nhiều thủ tục, điều kiện vào thành một thủ tục hành chính. Với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta có khoảng 1 triệu doanh nghiệp sẽ khó khăn trong việc thực hiện khi mà các doanh nghiệp, cá thể không mặn mà với việc thành lập doanh nghiệp do thủ tục phiền hà, phức tạp.
Từ những bất cập trên, ông Thế đề nghị Chính phủ cần tạo điều kiện quyết liệt hơn về vấn đề này, trong đó cần chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn liền áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân, xóa bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan. Năm 2019 giảm ít nhất 5% các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành và quyết liệt chỉ đạo bắt buộc các bộ, ngành phải kết nối qua cơ chế một cửa quốc gia.
Còn theo ĐBQH Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), doanh nghiệp là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, động lực quan trọng để tăng trưởng. Số liệu cho thấy, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động năm 2018 và 4 tháng đầu năm 2019 đều tăng so với cùng kỳ nhưng tốc độ tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của số doanh nghiệp ngừng hoạt động. Bên cạnh đó, năm 2018 có 165.000 doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động thì có 90.000 doanh nghiệp dừng hoạt động.
Cứ 10 doanh nghiệp gia nhập thì có 5 doanh nghiệp rời thị trường. Doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 98,3% số doanh nghiệp cả nước. Trong tổng số doanh nghiệp kê khai chỉ có 40% doanh nghiệp có lãi. “Như vậy, năng lực sản xuất, hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp còn thấp, cần có giải pháp mạnh mẽ hơn”, ông Hàm bày tỏ.