Xử lý cán bộ công chức sau nghỉ hưu: Chỉ là “xóa cái danh”
Đó là ý kiến của một số Đại biểu khi thảo luận về dự án Luật Cán bộ, công chức, viên chức sửa đổi chiều 10/6 tại Quốc hội.
Nói về vấn đề xử lý cán bộ đã nghỉ hưu mắc sai phạm trong thời điểm đang công tác, ĐB Mong Văn Tình (Nghệ An) cho rằng, xử lý cán bộ công chức sau nghỉ hưu, trong đó có việc xóa tư cách chức vụ của người đó trong thời gian đảm nhiệm chỉ là “xóa cái danh” vì việc kỷ luật cán bộ, công chức đã về hưu thực chất là xử lý hồi tố.
Theo ĐB Mong Văn Tình vấn đề quan trọng hơn là các chế độ, chính sách kèm theo chức danh đó như hệ số phụ cấp, thưởng có xử lý hay không, vì thực tế khi đang đương chức cán bộ, công chức đó đã được hưởng chế độ lương, phụ cấp kèm theo.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Chính phủ: Công chức cần xoá bỏ văn hoá "sáng cắp ô đi chiều cắp ô về"
00:02, 20/05/2019
Các hình thức xử lý kỷ luật với cán bộ, công chức vi phạm Luật Tố cáo
19:22, 12/04/2019
Bổ nhiệm cán bộ công chức - người tài, người tốt không được bổ nhiệm?
17:59, 06/11/2017
Đánh giá cán bộ, công - viên chức: Những con số mang tính… hình thức
05:10, 27/05/2019
Quy định mới về xét tuyển viên chức
01:55, 05/12/2018
“Vậy xóa tư cách chức vụ có truy thu đối với các khoản phụ cấp kèm theo hay không?” - ĐB Tình nêu vấn đề đồng thời cho rằng, nếu luật hóa việc xóa tư cách cán bộ, công chức thì cũng đồng nghĩa với những quyết định, văn bản của cán bộ, công chức đó ký cũng không còn có hiệu lực, vậy chúng ta sẽ xử lý vấn đề này thế nào.
Do đó khi xóa tư cách chức vụ cần xử lý đầy đủ các chế độ, chính sách mà cán bộ, công chức được hưởng khi họ bị xóa tư cách chức vụ đảm nhiệm tại thời điểm vi phạm.
Tương tự, ĐB Triệu Thị Huyền (Yên Bái) cho rằng, quy định xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu cần cân nhắc thời gian xử lý, hình thức xử lý với trách nhiệm hành chính, hình sự đối với vi phạm và giải quyết hậu quả pháp lý của việc xử lý kỷ luật. Bởi theo bà Huyền, với cán bộ đã nghỉ hưu mới phát hiện vi phạm trong quá trình công tác thì ngoài hình thức kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, xóa tư cách, thì trong luật “nên quy định thêm hình thức như cắt, tước bỏ các quyền lợi về chính trị, vật chất mà cán bộ, công chức vẫn đang được hưởng thì tác dụng của việc răn đe sẽ thiết thực hơn” – ĐB Huyền nói.
Cùng chung quan điểm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc xử lý cán bộ đã nghỉ hưu mắc sai phạm trong thời điểm đang công tác là mang tính răn đe, nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ khi đang công tác, tránh việc tư duy nhiệm kỳ, song theo ĐB Hòa việc xử lý cán bộ cần tách bạch cho rõ ràng.
Đối với việc xóa tư cách của người đã nghỉ hưu mắc sai phạm khi trong thời điểm đang công tác, vậy “những văn bản, quyết định mà người đó ký trong lúc đang đương chức có giá trị pháp lý hay không? và Bộ Nội vụ cần làm rõ về vấn đề trên?” – ĐB Hòa nêu câu hỏi.
Góp ý thêm về vấn đề này, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, việc xử lý kỷ luật cán bộ đã nghỉ hưu được dư luận đồng tình cao, có tác dụng răn đe vì tác động đến tâm lý của cán bộ, công chức.
Tuy nhiên, “việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức về hưu với hình thức xóa tư cách thì chưa phù hợp lắm khi cán bộ, công chức đã về hưu. Chưa kể, chỉ xóa tư cách với người có chức vụ, còn đối với công chức thường thì không có gì để mà xóa” , Đại biểu Hằng nêu vấn đề.