Hà Nội: Nhiều công trình chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng

Cẩm Anh 08/07/2019 12:00

Công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình trên địa bàn Hà Nội còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Dự án đoạn Tôn Thất Tùng – Ngã Tư Vọng

Dự án Dự án xây dựng đường vành đai 2 đoạn Tôn Thất Tùng - Ngã Tư Vọng

Đó là nhận định của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng tại Kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố Hà Nội khóa XV. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2019 Hà Nội đã đạt được kết quả toàn diện: Kinh tế tăng trưởng cao hơn cùng kỳ, GRDP tăng 7,21% (cùng kỳ 7,15%); thu ngân sách được đảm bảo (ước tăng 12,8% so cùng kỳ); môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số PCI tăng 4 bậc, đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố. An sinh xã hội đảm bảo, an ninh quốc phòng được giữ vững.

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu vẫn duy trì tăng khá nhưng đạt thấp hơn mức cùng kỳ. Chỉ số giá có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ. Chỉ số PAPI năm 2018 tăng 2 bậc nhưng vẫn trong nhóm thấp nhất cả nước, trong đó có chỉ số thành phần mới được đưa vào xác định trong năm 2018 (Quản trị môi trường, Quản trị điện tử) đạt điểm số rất thấp.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp "chôn vốn" do khâu giải phóng mặt bằng

    07:30, 02/07/2019

  • Đề án giãn dân phố cổ Hà Nội (KỲ III): Chưa có giải pháp quyết liệt

    06:30, 08/07/2019

  • Đề xuất đầu tư 40.000 tỷ đồng làm đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội-Hoàng Mai

    00:57, 06/07/2019

  • Tạo đồng thuận giãn dân phố cổ Hà Nội

    15:06, 05/07/2019

  • Chủ đầu tư rút lui, Hà Nội chi hơn 2.500 tỉ xây cầu Vĩnh Tuy

    06:30, 04/07/2019

"Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng ở một số công trình còn chậm, ảnh hưởng tiến độ thi công đầu tư xây dựng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu", ông Hùng cho biết.

Trước đó, đánh giá chung về tiến độ thực hiện các dự án, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp TP Hà Nội Lê Văn Bính thừa nhận, khó khăn lớn nhất ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chung của các dự án là việc giải phóng mặt bằng còn chậm.

Hiện nay, Hà Nội đang thực hiện 18 dự án, trong đó có 12 dự án chuyển tiếp, sẽ hoàn thành trong năm 2019 và 6 dự án mới, triển khai trong giai đoạn 2019 - 2020. Một số dự án có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn, như dự án đường vành đai 2 đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở phải giải phóng mặt bằng 655 hộ và tổ chức; dự án đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục phải giải phóng mặt bằng 1.937 hộ... Ngoài ra, còn một bộ phận người dân chưa đồng thuận với việc triển khai dự án.

Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên – Khu liên cơ Võ Chí Công trong tháng 7/2019 hoàn thành 2 khối nhà 16 và 27 tầng để đưa các sở, ngành về làm việc trong tháng 8/2019; khối nhà 7 tầng bổ sung (bộ phận một cửa và lưu trữ) đã khởi công xây dựng, dự kiến hoàn thành vào quý I/2020...

Đề cập đến dự án Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục, ông Lê Văn Bính cho biết, dự án này được phê duyệt tháng 10-2018. Hiện dự án đang thực hiện công tác giải phóng mặt bằng: đã phát hành thông báo thu hồi dất 1.912/1.937 hộ; tiến hành đo đạc hồ sơ kỹ thuật thửa đất 1.136/1.937 hộ; đo vẽ tài sản 486/1.937 hộ; đã hoàn thiện thiết kế bản vẽ thi công, trình thẩm định trong tháng 5-2019.

Ban Quản lý dự án đang tập trung cùng UBND các quận Ba Đình, Đống Đa tiến hành giải phóng mặt bằng phạm vi thi công 2 cầu vượt trước, phấn đấu có mặt bằng để khởi công trong quý III-2019.

Mặc dù vậy, ông Bính khẳng định, bên cạnh sự quan tâm của các cấp ngành, yếu tố quan trọng để thúc đẩy tiến trình dự án là sự ủng hộ của dân cư khu vực dự án trong việc chấp hành các chế độ chính sách, chủ trương, kế hoạch phát triển hạ tầng, giao thông xây dựng đô thị văn minh, hiện đại...

Cũng tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội theo cách tính mới tăng 7,21% (cùng kỳ tăng 7,15%), trong đó: Dịch vụ tăng 6,66% (cùng kỳ tăng 7,12%); công nghiệp - xây dựng tăng 8,38%, (cùng kỳ tăng 7,88%). Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 8,82% (cùng kỳ tăng 6,86%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 10,7% (cùng kỳ tăng 12%).

Du lịch tiếp tục phát triển, khách du lịch ước đạt 14,4 triệu lượt, tăng 9,5% (cùng kỳ tăng 17,2%), trong đó, khách quốc tế 3,3 triệu lượt, tăng 10,6% (khách quốc tế có lưu trú 2,34 triệu lượt, tăng 7,8% (cùng kỳ tăng 23,6%); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 50,3 nghìn tỷ đồng, tăng 29,8%.

Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, chỉ số PCI năm 2018 xếp thứ 9/63, tăng 4 bậc so với năm trước, hoàn thành sớm 02 năm mục tiêu nhiệm kỳ 2016-2020. Đầu tư nước ngoài ước đạt 5,3 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; lũy kế tổng số vốn đạt 41,2 tỷ USD (4.850 dự án vốn đăng ký 34,2 tỷ USD, 1.850 lượt góp vốn mua cổ phần vốn đăng ký 7 tỷ USD); lũy kế vốn thực hiện đạt khoảng 20,5 tỷ USD (tỷ lệ đạt 49,7%).

Quyết định chủ trương đầu tư 17 dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách, tống số vốn đăng ký 12,6 nghìn tỷ đồng; điều chỉnh vốn đầu tư 34 dự án, trong đó 25 dự án tăng vốn thêm 7,1 nghìn tỷ đồng. Đã cấp Giấy chứng nhận thành lập mới 13.690 doanh nghiệp, vốn đăng ký 143,7 nghìn tỷ đồng (tăng 10% về số lượng doanh nghiêp và tăng 1 % vốn đăng ký so với cùng kỳ).

Cẩm Anh