Doanh nghiệp tư nhân là đầu tàu “dẫn dắt” nền kinh tế
Theo Sách Trắng doanh nghiệp 2019, khối doanh nghiệp tư nhân đã vươn lên mạnh mẽ dẫn đầu với doanh thu, nộp ngân sách nhà nước vượt cả khối doanh nghiệp FDI và DN nhà nước.
Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, thời gian qua, kinh tế tư nhân tăng trưởng ấn tượng cả về số vốn, lợi nhuận. Cùng với đó, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện đáng kể. Từ đó, tạo nền tảng quan trọng cho DN Việt Nam phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực. Số DN thành lập mới năm 2018 đạt cao nhất khi có 131.275 doanh nghiệp, với 1,47 triệu tỷ đồng vốn đăng ký.
Ấn tượng với 50% doanh thu
Tại buổi công bố Sách Trắng doanh nghiệp (DN) năm 2019, Bộ KH&ĐT cho biết, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ DN đang hoạt động trên cả nước đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu thuần của khu vực DN ngoài nhà nước đạt 11,7 triệu tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp FDI đạt 5,8 triệu tỷ đồng. Khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 3,1 triệu tỷ đồng.
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng Cục trưởng Thống kê đánh giá, giai đoạn 2016-2017, doanh thu của DN ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó, năm 2017, DN ngoài nhà nước đã khẳng định vị thế trong nền kinh tế với hơn 291 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.
“Lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DN trong nước giai đoạn 2016- 2017 tăng trưởng mạnh mẽ. Lợi nhuận trung bình của khu vực DN đạt 794 nghìn tỷ đồng mỗi năm, tăng 73% so với giai đoạn trước đó. Trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước chiếm 30%”, ông Lâm cho biết.
Quy mô doanh nghiệp tăng nhanh về số lượng và vốn, tạo đà cho doanh nghiệp tăng nhanh về doanh thu. Năm 2017, doanh nghiệp không chỉ phát triển nhanh về quy mô mà còn có sự cải thiện đáng kể về hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
Phát triển đội ngũ doanh nghiệp tư nhân để xây dựng nền kinh tế tự cường
15:07, 17/06/2019
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam vẫn quản trị ở mức yếu
04:08, 05/06/2019
Hợp tác doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ về chăm sóc sức khỏe ban đầu
15:03, 16/05/2019
Doanh nghiệp tư nhân được đối xử bình đẳng sẽ kích thích tinh thần khởi nghiệp
04:03, 12/05/2019
Vì sao doanh nghiệp tư nhân ngại dự án PPP?
10:10, 08/05/2019
Chính phủ và doanh nghiệp tư nhân hợp tác khơi thông nguồn vốn cho khởi nghiệp
04:26, 03/05/2019
Thu nhập bình quân lao động tại doanh nghiệp/tháng trong năm 2017 đạt 8,27 triệu đồng. Lợi nhuận trước thuế doanh nghiệp tạo ra năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Có tới 14,5 triệu lao động trong DN và 33 triệu tỷ đồng được DN huy động sản xuất kinh doanh”, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết.
Chỉ có cách phát triển DN
Theo Sách Trắng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phân rã số liệu ra để thấy được trách nhiệm từng cấp, ngành và địa phương, so sánh được hiệu quả kinh tế mang lại giữa các thành phần kinh tế như khu vực FDI, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân trong đóng góp vào GDP, xuất khẩu, thu ngân sách.
Ngoài ra là các chỉ số hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận trên doanh thu, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu... của doanh nghiệp.
"Các con số này phải biết nói, và cuối cùng phải có kiến nghị, đề xuất với Chính phủ, các địa phương để phát triển doanh nghiệp theo tinh thần của các Nghị quyết Trung ương về sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân và sắp tới là Nghị quyết về thu hút FDI", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ KH&ĐT, sự tăng trưởng mạnh mẽ của DN đóng góp lớn vào tăng trưởng nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế dần chuyển dịch theo chiều sâu. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo xu hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.
Tính đến ngày 31/12/2018 cả nước có 714.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong bảng xếp hạng mức độ phát triển doanh nghiệp của các địa phương thì đứng đầu là Thành phố Hồ Chí Minh với 228.267 doanh nghiệp, Hà Nội 143.119 doanh nghiệp, tiếp đến là Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hoá và Bắc Ninh.
Ở nhóm cuối đa số là các tỉnh miền núi phía bắc, một vài tỉnh ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long... có ít doanh nghiệp hoạt động.
Đặt ra vấn đề các tỉnh có ít doanh nghiệp sẽ cho rằng không thể so sánh được với Hà Nội hay Tp.HCM, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết chỉ số tốc độ tăng doanh nghiệp sẽ phản ánh rõ hơn mức độ quan tâm của chính quyền địa phương với phát triển doanh nghiệp.
Theo đó, các tỉnh còn khó khăn như Sóc Trăng đứng thứ 47 về số lượng doanh nghiệp nhưng tốc độ tăng doanh nghiệp trong năm 2018 so với năm 2017 đứng thứ 2 cả nước với 16%, Bạc Liêu số lượng doanh nghiệp đứng thứ 53 nhưng tốc độ tăng đứng thứ 7. Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh lại xếp thứ 18 và Hà Nội xếp thứ 41 về tốc độ tăng doanh nghiệp.
"Tại sao Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh số lượng doanh nghiệp đứng đầu nhưng tốc độ tăng doanh nghiệp lại "văng" ra khỏi nhóm 10 địa phương dẫn đầu. Hà Nội nếu cứ tiếp tục bình chân như vại thì dần dần bị tụt hậu lại, nơi khác sẽ vượt lên”, Phó Thủ tướng nói.