Hành trình mới của ĐỔI MỚI
Để đạt được khát vọng trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nền kinh tế cần hoạt động hiệu quả và bền vững trong suốt hơn 25 năm tới, tăng trưởng trung bình ít nhất phải bằng mức trong 30 năm qua.
Đảng đã nói tới đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ Đại hội XI. Đến Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Trung ương đã có Nghị quyết số 05, nhận diện cụ thể hơn về quan điểm, định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, lấy thước đo là hiệu quả năng suất, chất lượng lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu. Và những thành tựu trong 30 năm qua (kể từ khi công cuộc Đổi Mới được bắt đầu vào cuối những năm 1980) cần phải được đúc kết để đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. |
Hành trình nền kinh tế thu nhập cao mới chỉ bắt đầu
Hành trình Việt Nam trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao chỉ mới bắt đầu và những thành tựu trong 30 năm qua không đảm bảo cho sự thành công trong tương lai. Việc điều chỉnh, thay đổi mô hình tăng trưởng mang tính cấp thiết nếu Việt Nam mong muốn trở thành nước có thu nhập trung bình cao thành công vào năm 2030 và là nước có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong nước, Việt Nam đang phải đối mặt với những trở lực mang tính cấu trúc đang gia tăng, bao gồm dân số già hóa nhanh, tác động của tích lũy nhân tố giảm, cũng như chi phí môi trường ngày càng lớn trong quá trình phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đáng phấn khởi nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dòng chảy của nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân vẫn còn những điểm nghẽn, đòi hỏi Chính phủ cần xây dựng được khung khổ pháp luật tốt hơn theo định hướng thị trường; gỡ bỏ các quy định chồng chéo, bất hợp lý liên quan đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, môi trường...
Đáng lưu ý, gần đây, nhiều nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ sự lo ngại về một số thay đổi nhanh chóng của các quy định pháp luật và mức độ rủi ro trong áp dụng pháp luật của Việt Nam. Việc áp dụng chính sách pháp luật chưa phù hợp, chưa nhất quán đã tác động tiêu cực môi trường đầu tư kinh doanh, thậm chí có thể khiến một số dự án có nguy cơ phải đóng cửa. Bên cạnh đó, những hạn chế về cơ sở hạ tầng tiếp tục là trở ngại lớn với mức chi tiêu cho phát triển hạ tầng trên đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn Cam-pu-chia và Phi-li-pin.
Các chuyên gia cho rằng, xác định mô hình tăng trưởng là quan trọng, nhưng định hướng lớn về mặt chính sách, thể chế, tổ chức thực hiện để đạt được mục tiêu mà chúng ta mong muốn còn quan trọng hơn.
TS. Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn tới chính là sự đột phá về tăng năng suất. Và đặc trưng của mô hình tăng trưởng giai đoạn 2021 – 2030 sẽ là chuyển dần từ thâm dụng lao động sang thâm dụng vốn và tri thức; chuyển dần từ lượng sang chất; thúc đẩy công nghệ, sáng tạo, tinh thần doanh nhân chiếm vị trí trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng quan điểm, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam Ousmane Dione khẳng định: “Việt Nam cần có một quá trình đổi mới hiệu quả với lộ trình phù hợp trong mỗi giai đoạn phát triển khác nhau. Bên cạnh đó, điều quan trọng là môi trường kinh doanh thuận lợi giúp các doanh nghiệp có điều kiện tối ưu để đổi mới sáng tạo”i.
Có thể bạn quan tâm
Đổi mới quỹ đổi mới!
05:16, 24/08/2019
Khởi nghiệp khó thành công nếu không đi cùng đổi mới sáng tạo
06:35, 16/08/2019
Tiếp tục nâng cao chỉ số xếp hạng của Việt Nam về đổi mới sáng tạo
16:00, 07/08/2019
VCCI Đà Nẵng và Sở KHCN TP Đà Nẵng ký kết hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới KHCN
19:15, 16/08/2019
Hai nhân tố quyết định
Ở đây, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhấn mạnh hai nhân tố quan trọng quyết định thành công trong tương lai của Việt Nam, dù chúng ta chọn mô hình tăng trưởng nào đi nữa.
Thứ nhất là CHẤT LƯỢNG. Việt Nam cần chuyển sang tăng trưởng dựa vào tăng năng suất, trong đó tốc độ tăng năng suất trung bình cần phải tăng mạnh, nhưng thành tựu này cho đến nay cũng chỉ một số ít nước đã đạt được.
Việt Nam vẫn có thể hưởng lợi lớn từ chuyển giao và áp dụng công nghệ, và doanh nghiệp cần phải được đặt tại vị trí trung tâm của nghị trình đổi mới sáng tạo. Đối với Việt Nam hiện nay, tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo ở cấp doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn những biện pháp được điều khiển bởi cung phổ biến như tăng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển hoặc tập trung vào các hoạt động phát minh, sáng chế.
Thứ hai là THỰC HIỆN. Những thách thức trong quá trình phát triển hiện nay của Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với 30 năm qua. Một phần của sự phức tạp này bắt nguồn từ thực tế là các vấn đề phát triển đang ngày càng trở nên đa ngành. Giảm nghèo không chỉ đòi hỏi cải thiện đời sống kinh tế, mà còn cải thiện các dịch vụ cơ bản và phát triển nguồn vốn nhân lực.
Đặc biệt, cần phải làm rõ điều gì đã ngăn cản đất nước ta đến nay vẫn còn thua kém nhiều nước? Đương nhiên, có những sai lầm trong quá khứ khiến cả dân tộc phải trả giá, thậm chí bằng cả xương máu. Nhưng điều ấy nếu được nhìn nhận một cách trung thực, khiêm tốn và chân thành, sẽ trở thành những kinh nghiệm quý báu để “bứt phá” như phương châm mới đây của Chính phủ. Chắc chắn, để tầm nhìn 2045 - đúng thời điểm 100 năm thành lập nước - thành hiện thực, chỉ có khát vọng là không đủ mà tầm nhìn phải gắn với hành động!