7 trọng tâm để Hòa Bình đột phá phát triển

BBT 15/10/2019 16:20

Tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hoà Bình lần thứ III, năm 2019, diễn ra sáng 15/10, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ ra 7 vấn đề trọng tâm để Hòa Bình đột phá, phát triển.

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Thường trực khẳng định cần quán triệt sâu sắc đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, các cấp các ngành, cả hệ thống chính trị đã tập trung chăm lo, đầu tư phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ sở hạ tầng được xây dựng ngày càng đồng bộ hơn, kinh tế từng bước phát triển quốc phòng và an ninh được giữ vững, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố xây dựng vững chắc.

Tỉnh Hòa Bình là địa phương có nhiều dân tộc cùng chung sống, dân số dân tộc thiểu số chiếm gần 75%. Các dân tộc của tỉnh Hòa Bình có truyền thống cách mạng, đoàn kết một lòng, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, luôn đoàn kết thống nhất cùng chung sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

  • Đầu tư 9.220 tỷ đồng cho thủy điện Hòa Bình mở rộng

    00:24, 07/10/2019

  • Samsung muốn xây nhà máy tại Hòa Bình

    21:45, 27/09/2019

  • Thủy điện Hòa Bình mở rộng sẽ khởi công vào quý 4/2020

    10:00, 27/09/2019

  • Hòa Bình: “Mạnh tay” thúc đẩy chương trình "mỗi xã một sản phẩm"

    11:00, 05/08/2019

  • Hòa Bình tiếp lửa cho phong trào khởi nghiệp

    09:45, 01/08/2019

Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực cũng chia sẻ với những khó khăn, hạn chế đã được nêu trong Báo cáo tại Đại hội. Trong thời gian tới, để địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh phát triển hơn nữa, Phó Thủ tướng đề nghị tập trung một số nội dung lớn sau:

Thứ nhất, tỉnh cần tập trung thực hiện có hiệu quả “ba đột phá” chiến lược trên địa bàn. Trong đó, đặc biệt chú ý phát huy đến lợi thế so sánh trên các lĩnh vực mà Hoà Bình có được, là cửa ngõ Thủ đô, giao thông ngày càng thuận tiện, có nền văn hoá các dân tộc thiểu số phong phú, người dân cần cù chịu khó, đoàn kết. Vì vậy, tỉnh cần phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của mình, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững.

Đồng thời, huy động tốt nhất nguồn lực trong đầu tư toàn xã hội, đẩy mạnh xây dựng hạ tầng giao thông và xây dựng, đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích khởi nghiệp, phát triển công nghiệp xanh và chế biến thuỷ hải sản, cây ăn quả, cây lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp gắn với lợi thế của địa phương.

Phát huy liên kết ‘bốn nhà’ để có điều kiện ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phát triển công ngiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu và chuỗi giá trị lớn có chỉ dẫn địa lý cụ thể. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển du lịch, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân, nhân rộng các điển hình mới về KT-XH để có cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích đầu tư về vốn, dạy nghề, nhân lực, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Việc phát triển KT-XH phải gắn với an sinh xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, bảo tồn văn hoá đặc sắc của các dân tộc thiểu số trong tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục tập trung tranh thủ và ưu tiên các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KTXH đồng bộ; giai đoạn tới cần tập trung khai thác tiềm năng lợi thế của điều kiện địa hình về địa chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng để tạo sinh kế mới, phát triển kinh tế cho người dân. Chú trọng đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững, theo đó ban hành cơ chế chính sách phù hợp về đất đai, dạy nghề, tín dụng, tiêu thụ sản phẩm... để phát triển các dự án sản xuất sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị; khai thác tiềm năng lợi thế về văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm... tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Thứ ba, đi đôi với phát triển kinh tế, cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, dạy nghề để nâng cao mặt bằng dân trí, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó thay đổi nhận thức và hành vi để người dân phát huy nội lực, vượt qua chính mình hội nhập và phát triển do địa bàn sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số có đặc điểm riêng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể của tỉnh cần có kế hoạch, giải pháp thiết thực đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số để phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng giải quyết hiệu quả những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm nảy sinh không để phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự.

Thứ tư, cùng với phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất của đồng bào, cần phải quan tâm bảo tồn, phát huy văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc, đa dạng, phong phú thống nhất trong nền văn hóa Việt Nam.

Thứ năm, chăm lo bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, nhất là tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, chống tái nghèo. Làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của đối tượng chính sách, gia đình có công với cách mạng, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, từ thiện, nhân đạo, chú ý đến phát huy vai trò người có uy tín…

Thứ sáu, tiếp tục củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh. Kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng, phát triển KT-XH với xây dựng tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Tập trung giải quyết hiệu quả những vấn đề phức tạp nổi lên ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, bảo đảm môi trường an ninh, an toàn, phục vụ thu hút đầu tư, phát triển KT-XH.

Thứ bảy, tập trung làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ từ tỉnh đến cơ sở thật sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết TW 4 khóa XI, XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng bộ máy chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức trung thành, tận tuỵ, liêm chính, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

“Xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc đòi hỏi phải có thời gian, bền bỉ với bao mồ hôi, công sức, sự cống hiến và hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Bởi vậy tôi rất kỳ vọng 250 đại biểu chính thức của Đại hội hôm nay là những người con ưu tú đại diện cho đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống, công tác, cư trú trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ ghi lòng tạc dạ công ơn đối với Đảng, Nhà nước và Bác Hồ muôn vàn kính yêu; lan tỏa sức mạnh đại đoàn kết; truyền cảm hứng, kết nối đồng bào các dân tộc của tỉnh đồng lòng chung sức, xây dựng tỉnh Hòa Bình ngày càng phát triển giàu, đẹp, văn minh, hiện đại; mọi nhà, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Nhấn mạnh đến công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Đây là yếu tố hết sức quan trọng để chúng ta tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Thời gian qua, chúng ta đã tăng cường xử lý nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, theo phương châm không có vùng cấm, xử lý đúng người, đúng tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội, phát hiện đến đâu xử lý nghiêm đến đó. Nhân dân ta ngày càng tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác này.

Đấu tranh phòng chống tham nhũng phải được thực hiện quyết liệt, liên tục, không ngơi nghỉ, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương, không để “trên nóng, dưới lạnh”, phát hiện sơ hở thiếu sót trong quản lý nhà nước để tiếp tục hoàn thiện thể chế, làm tốt công tác phòng ngừa tham nhũng như quyết tâm của Đảng và kỳ vọng của nhân dân.

BBT