Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Một số ngành công nghiệp giảm tốc
Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, mặc dù tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn có một số ngành công nghiệp giảm tốc.
Mở đầu họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5/11, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, chiều nay Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, các sự kiện lớn vừa diễn ra như Hội nghị trung ương XI, Khai mạc Quốc hội, nhiều kết quả kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.
Lên án hành động di cư bất hợp pháp
Tuy nhiên, những sự việc xảy ra nhận được sự quan tâm của dư luận như vụ 39 người tử vong trong container tại Anh, Bộ trưởng cho biết, mở đầu phiên họp Thủ tướng đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình nạn nhân.
“Chính phủ cam kết làm hết sức chia sẻ đau thương, mất mát, cùng địa phương xử lý tốt để hỗ trợ. Đây là việc hết sức đau lòng, là vụ việc bàng hoàng cho người dân và gia đình các nạn nhân với sự mất mát lớn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đây là vụ việc di cư bất hợp pháp, là bài học cần rút kinh nghiệm. Việt Nam luôn lên án hành động di cư bất hợp pháp, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án hành vi này, không để tái diễn và xảy ra vụ việc đau lòng tương tự.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thông tin việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam đến Bangkok, Thái Lan, dự Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan.
Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 thành công đã mang lại uy tín cho ASEAN. Việt Nam đã nhận bàn giao vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 từ Thái Lan.
Tại hội nghị, các nước bày tỏ ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Tại các hội nghị đoàn Việt Nam tham gia, trong đó có gặp Thủ tướng Trung Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn khẳng định lập trường của Việt Nam trong giải quyết vấn đề Biển Đông.
Đồng thời nhấn mạnh, phía Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo theo pháp luật quốc tế và kiên trì bảo vệ pháp luật quốc tế. Từ đó, các nước tham gia cũng đồng tình giải quyết vấn đề trên cơ sở hòa bình, đảm bảo trật tự vùng biển, vùng trời.
Một số ngành công nghiệp giảm tốc
Về tình hình kinh tế-xã hội, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng yêu cầu những mục tiêu thúc đẩy để hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2019 và chuẩn bị thật tốt cho kế hoạch 2020 khi mà tình hình quốc tế rất khó khăn.
Có thể bạn quan tâm
97% doanh nghiệp Việt Nam kỳ vọng doanh số bán hàng sẽ tăng trưởng
15:24, 05/11/2019
GDP từ góc nhìn chính sách công: (Bài 2) GDP - “Thước đo” tăng trưởng thuộc kinh tế thị trường
11:00, 05/11/2019
Đánh giá về GDP phải kèm cảnh báo "cái giá của tăng trưởng"
09:35, 31/10/2019
TS Nguyễn Đình Cung: Kinh tế tăng trưởng nhờ xuất khẩu nhưng lại ẩn chứa rủi ro
15:53, 30/10/2019
Theo đó, tình hình tháng 10 và 10 tháng tiếp tục chuyển biến tích cực. Công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, đạt 9,5%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng cao, gần 12%. Tháng 10 là tháng đầu tiên có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,6 triệu lượt, lũy kế 10 tháng, đạt gần 14,5 triệu lượt, tăng 13%.
Lạm phát tiếp tục được kiểm soát, chỉ số CPI bình quân 10 tháng năm 2019 tăng 2,48% so với bình quân cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu tăng 7,4%, đặc biêt khu vực trong nước tăng 16,2%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,9%. Xuất siêu 7 tỷ USD. Vốn FDI thực hiện đạt 16,2 tỷ USD, cao nhất cùng kỳ các năm từ trước đến nay.
“Tính chung 10 tháng, cả nước có 114.400 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 34.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 24,8% so với cùng kỳ”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Người phát ngôn Chính phủ cũng thông tin, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai cũng thẳng thắn, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, bất cập như một số ngành công nghiệp giảm tốc, một số công trình lớn chậm tiến độ, thiên tai, dịch bệnh, giá một số mặt hàng nông sản chủ lực giảm…
Các vấn đề xã hội, môi trường, an ninh trật tự cần được quan tâm, nhất là một số việc Thủ tướng đã có ý kiến chỉ đạo như ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo trong xã hội, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm buôn bán, sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, cướp của giết người, tai nạn giao thông nghiêm trọng…