Thủ tướng: Phải xử lý hành chính hoặc hình sự vi phạm về ATTP, không bỏ qua trường hợp nào
Nhắc trường hợp vụ bơm tạp chất vào tôm, Thủ tướng yêu cầu xử phạt trong vi phạm ATTP phải là xử lý hành chính hoặc là hình sự, phải xử lý nghiêm, không bỏ qua trường hợp nào.
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, một hệ thống văn bản đã được chỉ đạo, ban hành và triển khai về tăng cường an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Các tổ chức đã tích cực chủ động theo tinh thần của Trung ương.
Theo đó, đã có hội nghị toàn quốc ban hành chỉ thị tăng cường quản lý về ATTP, tổng kết Luật ATTP năm 2010, thí điểm Ban quản lý ATTP, thí điểm thanh tra ATTP cấp huyện xã....các lãnh đạo địa phương đều giành thời gian đôn đốc thực hiện.
Thủ tướng đánh gía cao nhiều địa phương đã có chỉ thị, kế hoạch hành động. “Quan trọng là hành động nghiêm túc từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên, từ những người sản xuất đến lãnh đạo chính quyền các địa phương”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Đồng thời, Người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao Ban chỉ đạo liên ngành về công tác ATTP. “Qua cách làm của các đồng chí, nhất là ở các địa phương Ban chỉ đạo họp hàng tuần, hàng tháng xử lý các vấn đề, các sự cố. Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, đồng bộ, nhờ vậy công tác ATTP cả nước thời gian qua đã đạt được những thành quả đáng mừng”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng chính phủ yêu cầu phải xử lý nghiêm vụ việc dược liệu tẩm hoá chất gần đây, hại sức khoẻ người dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng nhắc tới những mặt hàng thực phẩm nhập lậu qua biên giới phải kiểm soát chặt chẽ như lòng lợn, gà dịch bệnh, thuốc Nam, thuốc Bắc.
Nhắc tới việc Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới với nhiều thị trường khắt khe có tiêu chuẩn cao về hữu cơ, về sản phẩm sạch, Thủ tướng yêu cầu sản xuất sạch.
Đang có tỉnh thành phố ban hành khu vực giết mổ tập trung, nhiều doanh nghiệp đầu tư dây chuyền giết mổ theo tiêu chuẩn thế giới. "Trong khi đó, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ngày càng nhiều trong cơ cấu nông sản. Đây cũng là xu hướng của thế giới”, Thủ tướng Chính phủ cho biết.
Khẳng định không chỉ có ban chỉ đạo của trung ương, tỉnh thành phố, mà vai trò của lãnh đạo phường, xã, của doanh nghiệp, của đầu bếp...cũng rất quan trọng.
"Tôi đã xuống 1 xã ở Đông Anh rất sớm, tôi hỏi lãnh đạo xã mà họ biết rất rõ hộ sản xuất quy trình như thế nào, sử dụng thuốc gì, bao lâu...phải biết rõ như thế. Phải truy tới cùng những đơn vị sản xuất bẩn làm ảnh hưởng sức khoẻ người dân. Không chỉ xử lý người sản xuất mà phải cả lãnh đạo địa phương", Thủ tướng nói.
Khẳng định mô hình xây dựng các nhà máy chế biến lớn của các doanh nghiệp tại địa phương là mô hình tốt cần nhân rộng. Thủ tướng yêu cầu phải đơn giản thủ tục hành chính trong công tác vệ sinh ATTP. Giám sát thực thi tiêu chuẩn Vietgap, ISO...thúc đẩy thực phẩm sạch, an toàn, phát triển. “Đây là sân chơi khác biệt cho các doanh nghiệp”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Nhắc trường hợp bơm tạp chất vào tôm, Thủ tướng yêu cầu xử phạt trong vi phạm ATTP phải là xử lý hành chính hoặc là hình sự, phải xử lý nghiêm, không bỏ qua trường hợp nào. Thủ tướng khẳng định tinh thần chỉ đạo quyết liệt là không nhân nhượng.
“Chúng ta phải bảo vệ người dân mà còn bảo vệ sản phẩm cho xuất khẩu cho người dân nơi chúng ta xuất khẩu sản phẩm tới”, Thủ tướng khẳng định.
Báo cáo của Bộ Y tế, sau 2 năm thực hiện Chỉ thị 13, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về ATTP và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.
Từ năm 2017, tiêu chí bảo đảm ATTP đã được đưa vào là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đã tập trung xử lý dứt điểm các vấn đề nóng gây bức xúc trong nhân dân như sử dụng hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản. Từ đầu năm 2017, đã không phát hiện các mẫu thịt nhiễm Salbutamol, tỷ lệ thực phẩm vi phạm các chỉ tiêu về kháng sinh giảm mạnh (năm 2018 chỉ còn 0,2%, so với năm 2016 là 1,76%). Giai đoạn trước năm 2016, nông sản thực phẩm được tiêu thụ tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc... chiếm 90%, giai đoạn 2016 đến nay đã giảm xuống còn khoảng 70%, tỷ lệ nông sản thực phẩm tiêu thụ tại các cửa hàng tiện ích, siêu thị được kiểm soát ATTP đã tăng từ 10% lên 30%.
Có thể bạn quan tâm
Cần tích hợp địa chỉ an toàn thực phẩm vào bản đồ số Việt Nam
00:00, 14/12/2019
Cục An Toàn thực phẩm đã kết luận sản phẩm Herbalife an toàn
11:49, 10/06/2019
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói gì về an toàn thực phẩm?
13:17, 01/11/2018
Cũng theo Bộ Y tế, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong, giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện nay là sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) với nhiều nguy cơ về ATTP, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ...
Trước thực tế này, Thủ tướng nêu rõ, quyền tiếp cận thực phẩm an toàn là quyền cơ bản của con người. Công tác bảo đảm ATTP phải được tăng cường, đây là trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương các cấp, các cơ quan chức năng.
“Anh làm chủ tịch xã, chủ tịch phường mà không biết địa bàn mình có cơ sở sản xuất đồ giả, thực phẩm bẩn là sao?”. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của cấp cơ sở trong vấn đề này.
Thứ hai, Thủ tướng yêu cầu phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng cho từng cấp ngành địa phương trong thực hiện, thanh kiểm tra công tác thực thi các quy định về ATTP. Các địa phương phải dành nguồn lực cho việc này. Phải đẩy mạnh xã hội hoá công tác này bằng nguồn lực phù hợp.
“Năm 2020 cần có chuyển biến thực chất hơn, rõ nét hơn về công tác ATTP, ứng dụng CNTT vào sản xuất, các công ty phần mềm nghiên cứu sản xuất được phần mềm kiểm soát được chất lượng thực phẩm, truy suất nguồn gốc cho người tiêu dùng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời yêu cầu tiếp tục hoàn thiện quy định về vệ sinh ATTP, có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp quốc tế, không chỉ là tiêu chuẩn địa phương hay tiêu chuẩn quốc gia. Nếu làm được điều này sẽ là cuộc cách mạng, để mỗi vị khách đến Việt Nam đềuu cảm thấy thực phẩm an toàn.
“Tôi đề nghị một số địa phương chỉ đạo làm quy chuẩn về vệ sinh ATTP sau đó nhân rộng ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đặc biệt, Người đứng đầu Chính phủ nhận định, bài toán khó là nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, cùng với đó hoàn thiện đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ, trình Thủ tướng.
Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp tiến hành ngay việc giảm lượng hoá chất, thuốc BVTV,.. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật ATTP. Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý vấn đề ngày ông Công ông Táo hàng năm có tục lệ thả cá chép nhưng lại vứt bỏ túi nilon khắp nơi là gây ô nhiễm.