Có nên tiếp tục ăn tết ta?

Theo Thúy Hằng/Thanh Niên 19/01/2020 11:37

Lần đầu đề xuất việc không nên tiếp tục ăn tết ta vào năm 2006, tới nay, sau 14 năm GS Võ Tòng Xuân vẫn kiên định với ý kiến này. Theo ông, 'còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa'.

Những ngày đầu năm mới 2020, khi không khí chuẩn bị “ăn tết ta” (tết cổ truyền tính theo âm lịch) rộn ràng khắp nơi, GS Võ Tòng Xuân (Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ) có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên.

GS Võ Tòng Xuânp/Ảnh tư liệu Thanh Niên Online

GS Võ Tòng Xuân Ảnh tư liệu Thanh Niên Online

Cái gì cũng "lo ăn tết xong đã"

- GS lên tiếng lần đầu về việc không tiếp tục ăn tết ta nữa năm 2006, đến nay 14 năm, số người phản đối hay ủng hộ ông tăng lên?

Mấy ngày nay rất nhiều người nói với tôi “thầy nói đúng quá”. Các bạn có thể thấy, người dân chưa tới tết đã lo ăn tết. Vì mình chưa có chính sách, chưa bỏ tết ta, chưa tính tết ta vào tết Tây (theo dương lịch, ngày 1.1 mỗi năm).

- GS cho rằng, bỏ ăn tết ta, chỉ ăn tết tây sẽ giúp đất nước giàu hơn?

Hãy nhìn từ cách ăn tết của Nhật Bản. Họ đổi cách ăn tết, từ tết ta sang tết tây từ thời Thiên Hoàng Minh Trị, đó là năm 1873, tính tới năm 2019 đã là 146 năm. Châu Âu, châu Mỹ, châu Phi đều đón tết Tây. Tại Singapore phần lớn ăn tết Tây, có 1/3 dân số nước này là người Hoa, theo phong tục Trung Quốc thì vẫn đón tết ta.Ở Việt Nam ta, đã ăn tết Tây, ngày 31.12.2019 vừa rồi, tôi thấy nhiều nơi đốt pháo hoa, đếm ngược, làm lễ tất niên đón năm mới tưng bừng, như thế là ăn tết Tây rất lớn rồi. Rồi tới tết ta, mọi tục lệ lại tiếp tục, như thế rất tốn kém.Tết ta tính ra đúng là từ ngày 30 tết tới hết ngày mùng 3, nhưng cứ để ý thì người dân Việt Nam đã ăn tết ta từ sau rằm tháng chạp (15.12 âm lịch). Công việc trì trệ, người dân uể oải, đường sá kẹt cứng… Đi đâu, có việc gì người ta cũng nói “thôi lo ăn tết đã”. Và người ta ăn tết ít nhất sau rằm tháng giêng.Tôi ủng hộ chủ trương là, mình ăn tết Tây, nhưng đến tết ta không phải mình bỏ hẳn đi, mình vẫn kỷ niệm nhưng chỉ khoảng 3 ngày thôi.

Thích cổ truyền, vẫn nghèo hoài 

- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, tết ta phong tục đẹp, lưu giữ văn hóa cổ truyền đất nước?

Vì chính cứ thích cổ truyền, rồi tâm linh, thì mình vẫn nghèo hoài. Mình càng giữ cổ truyền thì mình càng giữ cái nghèo. Càng nghèo lại càng thích ăn nhậu.Trồng lúa thì phải dùng phân bón thì mới năng suất cao. Nhưng bạn để ý những dân tộc sống trên núi cao không, có nơi họ giữ phong tục là để cây lúa tự nhiên, tự nhiên thì tốt thôi nhưng mà cứ đói hoài, nghèo hoài. Có những gia đình hai vợ chồng người dân tộc như tôi biết, họ cải tiến cách làm nông nghiệp, họ nuôi trồng thuỷ sản, nuôi cả gia đình, làm giàu cho quê hương. Phải đổi mới thì chúng ta mới có thể làm giàu cho mình và đất nước.

- Có người cho rằng ăn tết ta là kích cầu mua sắm, tiêu dùng, kích cầu du lịch, như vậy là phát triển kinh tế chứ sao nói làm giảm năng suất lao động, khiến đất nước nghèo đi. GS có nghĩ gì?

Tôi không phản biện điều này. Nhưng hãy nhìn những ngày sát tết, giao thông hỗn loạn, các sân bay quá tải, nhà hàng quán xá đông nghịt người, nhiều dịch vụ ùn ùn kéo nhau tăng giá. Trong tết thì ùn ùn ăn nhậu, bỏ công việc làm. Có nhất thiết cứ phải tết mới đi du lịch không, tết mới đi ăn uống, về quê, đi lễ chùa không?Tôi ví dụ về Miếu Bà Chúa Xứ, An Giang nếu cứ tới ngày Vía Bà ai cũng đổ xô đi thì quá tải, không chen chân được, bây giờ nhiều người dân đi cách đó vài tháng, thong dong đi lễ.

- Nhưng nhiều anh chị em công nhân trong các khu chế xuất, lao động họ nói chỉ ăn tết ta dài ngày mới được nghỉ để về quê thăm ông bà, bố mẹ sau cả năm trời ở xa?

Cái tâm với bố mẹ, ông bà đâu nhất thiết phải gặp nhau trong vài ba ngày tết. Con cháu có thể sắp xếp thời gian nghỉ phép về thăm ông bà bố mẹ, như vậy không phải quá tải chen lấn nhau lên xe đò, tàu lửa, máy bay những ngày tết. Rồi khi nào rảnh rỗi trong năm, có thể sắp xếp đi du lịch, chứ không phải nhất thiết làm cái gì cũng để đến tết ta mới thực hiện.Bây giờ thời đại công nghệ, như nếu con cháu đi làm ăn xa, bận bịu, giỗ chạp tổ tiên, ông bà có thể không nhất thiết về quê nhưng vẫn làm mâm cơm cúng ở thành thị, tưởng nhớ ông bà. Rồi mọi người có thể chia sẻ với nhau qua Zalo, Viber. Quan trọng nhất là cái tâm, mình vẫn nhớ về người thân của mình, tấm lòng mình dành cho người thân của mình, chứ không phải chỉ là góp mặt, mâm cao cỗ đầy nhưng chưa chắc đã có cái tâm trong đó.

Nhân danh bảo vệ văn hóa để làm biếng lao động

- GS có nghĩ là nếu gộp tết ta vào tết Tây, nhiều người lại kéo dài tết Tây, ăn nhậu triền miên?

Tôi nói những ví dụ trong quá khứ, trước đây truyền thống cứ tới tết ta là chúng ta đốt pháo, nhưng từ khi có chỉ thị của chính phủ cấm đốt pháo, làm rất nghiêm, từ cấp T.Ư tới địa phương thì bây giờ dẹp được vấn nạn này.Rồi trước đây chúng ta đã truyền thông nhiều “đã uống rượi bia thì không lái xe” nhưng vẫn chưa rốt ráo. Cho tới từ ngày 1.1.2020, nghị định tăng mức xử phạt cho người có nồng độ cồn trên 0 mg/1 lit khí thở được áp dụng, công an giao thông được cấp công cụ để xử phạt thật mạnh, và số người nhậu giảm đi rõ rệt. Nói vậy để thấy rằng, chỉ đạo mang tầm quốc gia rất quan trọng. Khi có quy định, chế tài rõ ràng, ai làm sai sẽ bị luật pháp điều chỉnh, xử phạt thì mọi thứ sẽ đi vào quy củ, kể cả quy định về ăn tết ta hay bỏ tết ta. Ai nghỉ quá ngày sẽ bị phạt, nặng là đuổi việc.

Tôi thấy rằng những người có công ăn việc làm, yêu lao động thì lúc nào cũng chăm chỉ lo công việc của mình, còn càng những người làng nhàng, đi làm chỉ lượn lờ một chút vào cơ quan rồi ra ngoài uống cà phê trà đá hay không công ăn việc làm thì lại càng thích nghỉ tết. Họ nhân danh việc ăn tết ta là tôn trọng bản sắc cổ truyền, bản sắc văn hóa để làm biếng lao động.

- Như vậy quan trọng nhất cũng chính là con người, mỗi người sẽ có cách sắp xếp thời gian hợp lý nhất để ăn tết sao cho khoa học, hiệu quả kinh tế, không lãng phí thời gian tiền bạc?

Tôi cũng nghĩ ăn thua là chính con người, nếu con người muốn lao động thì đất nước không thể nghèo được. Nền giáo dục cũng sẽ phát triển, nếu mỗi thầy giáo yêu lao động chứ không phải yêu nhậu. Ví dụ một thầy giáo hết giờ muốn giao thêm bài tập cho học sinh, về nhà nghiên cứu đọc tài liệu sẽ giúp trò giỏi. Nhưng thầy lại không làm vậy, vì ngại phải về nhà chấm bài, rồi thầy đi nhậu. Thư viện thì nghèo nàn sách vở, tài liệu tham khảo, người hiệu trưởng cũng không muốn đầu tư thì giáo dục sao phát triển được.Đất nước sẽ không thể nghèo nếu mỗi người biết sử dụng thời gian hữu ích để nâng cao trình độ của bản thân. Mỗi ngày hãy dành những khoảng thời gian chất lượng, để đọc sách, tìm hiểu tài liệu nâng cao hiểu biết cá nhân thay vì đi nhậu hay lên Facebook. Khi đó, chúng ta sẽ tạo ra nhiều giá trị hơn cho mình và xã hội.

Quan trọng là tầm nhìn

- Như vậy, quan trọng nhất là tầm nhìn, phải không thưa GS?

Tôi kể câu chuyện này, có 2 người nông dân, một ông đào được cuộn dây gai chỉ nghĩ là để rào vườn, ông khác thì nghĩ, mình nghèo cần rào làm gì. Và ông làm ra đinh từ cuộn dây gai, bán được 10 đồng, dùng tiền để đầu tư tiếp. Khác nhau ở tầm nhìn.Quay trở lại câu chuyện ăn tết ta, cần tầm nhìn về cái tết. Tôi muốn nói lại là hãy nhìn sang nước Nhật Bản, Thiên Hoàng Minh Trị đã thay đổi ăn tết ta sang tết Tây từ 146 năm trước và có một Nhật Bản giàu mạnh như hôm nay, và văn hóa bản sắc dân tộc của họ vẫn được lưu giữ, bảo tồn rất tuyệt vời.

- Vậy kế hoạch ăn tết của GS năm nay ra sao?

Mọi người vẫn chưa bỏ ăn tết ta thì tôi vẫn theo thôi, nhưng tôi chỉ ăn tết ta 3 ngày, sau đó thì quay trở về công việc hằng ngày.Ngày mùng 1 tết tôi đi chúc tết ở Cần Thơ, tối mùng 1 tôi về chúc tết các thầy cô ở TP.Long Xuyên, An Giang. Ngày mùng 3 tôi về quê mình ở Tri Tôn, An Giang thăm nhà từ đường… Các con của tôi cũng rất bận rộn, chúng yêu công việc và có thể làm việc xuyên tết ta.

- Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện!

Theo Thúy Hằng/Thanh Niên