Nâng “chất” cơ sở lưu trú cho phát triển ngành du lịch

Thy Hằng thực hiện 25/01/2020 14:07

Trao đổi với DĐDN, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, chất lượng cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã phát triển với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, vẫn còn những điểm nghẽn cần tháo gỡ cho sự phát triển thời gian tới.

cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao và 295 khách sạn 4 sao.

Việt Nam có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao và 295 khách sạn 4 sao.

Du lịch Việt Nam trong năm 2019 đã đạt được kỳ tích, toàn ngành đã đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,2% so với năm 2018, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt khoảng 720.000 tỷ đồng. Với kết quả này, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã vượt Indonesia, vươn lên vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến. Chất lượng dịch vụ du lịch cải thiện đáng kể. Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tiếp tục làm thay đổi chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, góp phần hình thành nhiều khu du lịch khép kín, đẳng cấp quốc tế.

-Thưa ông, ông đánh giá thế nào về chất lượng kinh doanh cơ sở lưu trú của Việt Nam?

Có thể thấy, hầu hết các thương hiệu hàng đầu về kinh doanh cơ sở lưu trú đã có mặt tại Việt Nam, kéo theo tiêu chuẩn của các chuỗi tập đoàn kinh doanh khách sạn quốc tế đã được áp dụng vào Việt Nam. Do đó, chất lượng của các cơ sở lưu trú của Việt Nam đã thay đổi đáng kể thời gian vừa qua.

Mặc dù có bước cải thiện trong các sản phẩm cũng như chất lượng phục vụ tại các cơ sở lưu trú thời gian qua, tuy nhiên tôi cho rằng với tốc độ phát triển của ngành, vẫn còn những yếu điểm cần khắc phục.

Bên cách lượng tăng của khách du lịch và sự phát triển của các cơ sở lưu trú thì chất lượng nguồn nhân lực chính là yếu tố cần được đặc biệt quan tâm.

- Cụ thể, yếu điểm nào cần được đặc biệt quan tâm, khắc phục thời gian tới, thưa ông?

Thống kê cho thấy chỉ có khoảng 45% nhân lực đang hoạt động trong ngành có qua đào tạo về du lịch, 25% đào tạo lĩnh vực khác, còn lại con số đáng kể lao động chưa qua đào tạo. Do đó, cùng với sự phát triển của các cơ sở lưu trú cần có đánh giá toàn diện và có giải pháp cải thiện chất lượng nhân lực trong ngành du lịch.

Không chỉ thiếu hụt nguồn lao động lành nghề qua đào tạo, ngành du lịch của chúng ta hiện còn thiếu đội ngủ quản lý cấp cao tại các cơ sở kinh doanh lưu trú. Do đó, một chiến lược thời gian tới phải tập trung đào tạo đội ngũ nhân lực đặc biệt là nhân sự cấp cao để tiến hành tham gia quản lý điều hành có hiệu quả và bền vững các cơ sở kinh doanh lưu trú này.

Tính đến nay, cả nước có 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 phòng, trong đó có 171 cơ sở lưu trú 5 sao và 295 khách sạn 4 sao.

-Thưa ông, tăng chi tiêu của khách du lịch cũng là mục tiêu luôn được các thị trường đề ra, lời giải cho bài toán này tại Việt Nam là gì?

Có nhiều vấn đề được đặt ra để làm sao không chỉ tạo nguồn thu không chỉ từ kinh doanh cơ sở lưu trú mà các dịch vụ bổ sung nữa, một trong những giải pháp là tạo ra nhiều sản phẩm du lịch tăng chi tiêu của khách hàng, phải là những sản phẩm dịch vụ thu hút, độc đáo, mới mẻ, gia tăng trải nghiệm cho du khách.

Để hiện thực mục tiêu ấy, Chính phủ đã giao các Bộ ngành địa phương nghiên cứu phát triển kinh tế đêm, đặc biệt tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của cả nước, để gia tăng trải nghiệm cho du khách mà còn tăng nguồn thu. Đây chính là một trong những trọng tâm của ...du lịch Việt Nam.

-Cụ thể, những giải pháp trọng tâm nào sẽ được thực hiện thưa ông?

Trước hết cần đánh giá toàn diện nhu cầu của khách du lịch. Thứ hai, từ những nhu cầu đó những sản phẩm dịch vụ du lịch sẽ đáp ứng nhu cầu của khách, làm thế nào đó quản lý tốt những sản phẩm thu hút đó, đặc biệt tại những khu trọng điểm.

Cuối cùng, để có những sản phẩm dịch vụ đó cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan, đặc biệt là của các địa phương tại những điểm trung tâm du lịch tong tìm hiểu và tổ chức quản lý các sản phẩm dịch vụ du lịch đó.

Có thể bạn quan tâm

  • Tổng cục Du lịch đề nghị huỷ tour tới điểm có nguy cơ nhiễm viêm phổi corona

    14:39, 24/01/2020

  • Làm gì để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn?

    11:05, 23/01/2020

  • Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa: Liên kết cùng đưa du lịch "cất cánh"

    07:40, 16/01/2020

  • [VBF cuối kỳ 2019] Du lịch Việt gặp khó vì ô nhiễm môi trường

    11:00, 10/01/2020

  • Du lịch Việt Nam: Kỳ tích 2019

    02:04, 08/01/2020

- Dự thảo Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm2030, tầm nhìn 2035 sắp được xem xét sẽ có những giải pháp trọng tâm nào để thu hút doanh nghiệp, thưa ông?

Có 12 nhóm giải pháp lớn cho thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch để mục tiêu đến 2025 du lịch Việt Nam sẽ đón 32 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng bình quân 4-5%/năm và tổng thu dự kiến 45 tỷ USD. Đây là bước rà soát, hoàn thiện hơn nữa các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.

Tôi cho rằng, hiện chưa có lúc nào thuận lợi như lúc này. Sự gia tăng phát triển của ngành du lịch đã thu hút lớn sự đầu tư từ các doanh nghiệp, không chỉ đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh cơ sở lưu trú mà còn trong các lĩnh vực vui chơi, giải trí; các công viên chủ đề; các công ty lữ hành, công ty vui chơi... với đa dạng hoá các loại hình, mô hình kinh doanh dịch vụ như sử dụng các giá trị văn hoá như Ký ức Hội An ở Quảng Nam Đà nẵng, Hà Nội có Tinh hoa Bắc Bộ....đó là những sản phẩm văn hoá góp phần tạo tính độc đáo của các địa phương.

Đặc biệt, ngành du lịch tập trung nghiên cứu thị trường và xây dựng sản phẩm du lịch, đáp ứng các thị trường khách mục tiêu như thị trường gần như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và ASEAN.

Đây đều là những thị trường lớn, có tốc độ tăng trưởng cao thời gian qua. Bên cạnh đó, ngành Du lịch sẽ tổ chức khai thác các thị trường mới như Ấn Độ, khu vực Trung Đông...

- Xin cảm ơn ông!

Thy Hằng thực hiện