TIN NÓNG CHÍNH PHỦ 13/6: Cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul được thực hiện thế nào?
Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2020/NĐ-CP hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.
Nghị định này hướng dẫn thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thủ tục cấp và hoàn trả sổ tạm quản, bảo đảm thuế nhập khẩu, các khoản thuế khác, tiền chậm nộp, tiền phạt và phí, lệ phí (nếu có) đối với hàng hóa tạm quản theo Công ước Istanbul về tạm quản hàng hóa (Công ước Istanbul).
Nghị định này không áp dụng đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính, hàng hóa quá cảnh.
Nghị định quy định rõ các hàng hóa được tạm quản gồm: Hàng hóa để trưng bày tại sự kiện quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định này; Hàng hóa sử dụng tại sự kiện bao gồm.
Môt là, hàng hóa cần thiết cho mục đích giới thiệu máy móc nước ngoài hoặc thiết bị trưng bày, vật liệu xây dựng và trang trí, kể cả thiết bị điện cho gian hàng, quầy hàng. Hai là, vật liệu quảng cáo và trưng bày để giới thiệu hàng hóa. Ba là, trang thiết bị bao gồm thiết bị phiên dịch, thiết bị ghi âm thanh và hình ảnh, phim mang tính giáo dục, khoa học và văn hóa sử dụng tại sự kiện.
Theo đó, hàng hóa tạm quản theo quy định tại Nghị định này trong thời gian tham gia các sự kiện không được sử dụng cho mục đích khác. Khi kết thúc sự kiện, hàng hóa tạm quản phải được tái xuất, tái nhập hoặc thực hiện các thủ tục chuyển tiêu thụ nội địa, thay đổi mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật.
Hàng hóa tạm quản chỉ được phép sử dụng tại các sự kiện ở Việt Nam sau khi hoàn thành thủ tục tạm nhập theo quy định tại Điều 15 Nghị định này.
Nghị định cũng quy định 3 điều kiện áp dụng tạm quản.
Thứ nhất, hàng hóa tạm quản phải tuân thủ các chính sách về quản lý đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập của pháp luật. Thứ hai, hàng hóa tạm quản phải phù hợp với mục đích tổ chức, tham gia sự kiện quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định này và được nhận diện bằng số seri hoặc đặc điểm, dấu hiệu nhận diện riêng. Thứ ba, nngười khai hải quan sử dụng sổ ATA (sổ tạm quản) còn hiệu lực theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này và được cấp bởi cơ quan cấp sổ ATA để thực hiện thủ tục hải quan.
Về thời hạn tạm quản, Nghị định quy định, thời hạn tạm nhập tái xuất hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm nhập và trong thời gian sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).
Thời hạn tạm xuất tái nhập hàng hóa tạm quản là 12 tháng kể từ ngày hàng hóa hoàn thành thủ tục tạm xuất và trong thời hạn sử dụng của sổ ATA (bao gồm cả thời hạn sử dụng của sổ ATA thay thế).
Đối với trường hợp hàng hóa không thể tái xuất ra khỏi quốc gia hàng đến trước khi hết thời hạn quy định tại Khoản 2 Điều này, người khai hải quan thực hiện cấp sổ ATA thay thế theo quy định tại Điều 9 Nghị định này để gia hạn thời hạn tạm xuất, tái nhập tại cơ quan hải quan nơi làm thủ tục tạm xuất.
Còn đối với trường hợp hàng hóa không thể tái xuất đúng thời hạn quy định ở trên do bị tạm giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, thì trong thời hạn tạm giữ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, chủ sổ không bị xử lý vi phạm về hành vi quá thời hạn tạm nhập nhưng không tái xuất.
Trước đó, tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thảo luận về việc ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul, ý kiến của Ủy ban thẩm tra và cơ bản ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị định này.
Việt Nam chính thức là thành viên Công ước Istanbul từ ngày 03/7/2019 theo Thông báo số 27/2019/TB-LPQT ngày 04/7/2014 của Bộ Ngoại giao.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trên thế giới, thực tiễn hoạt động thương mại không chỉ có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu đơn thuần mà còn hình thức tạm nhập khẩu hoặc tạm xuất khẩu trong thời gian ngắn rồi lại tái xuất hoặc tái nhập.
Khi thương mại quốc tế ngày càng phát triển, nhu cầu tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hàng hóa ngày càng lớn, đặc biệt là hàng hóa phục vụ hội chợ, triển lãm, quảng cáo,… "Công ước Istanbul đã ra đời để đáp ứng nhu cầu quản lý hải quan thống nhất đối với hàng tạm nhập tái xuất hoặc tạm xuất tái nhập qua một hoặc nhiều quốc gia sử dụng sổ tạm quản và bảo lãnh". - Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói.
Trong xu thế tăng cường xuất khẩu và giao lưu thương mại với các nước, và Chính phủ đang nỗ lực tiến hành cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan theo hướng áp dụng các chuẩn mực hải quan quốc tế, góp phần giảm thời gian, chi phí thủ tục nhằm mục đích tạo thuận lợi thương mại, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Do đó, việc áp dụng cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul được coi một dịch vụ cao cấp trong lĩnh vực tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, góp phần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu quảng bá sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam ra thế giới và ngược lại.
Thứ Trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, khi tham gia Công ước, Việt Nam có nghĩa vụ chấp nhận cơ chế vận hành và cơ chế quản lý của Công ước, về cơ chế vận hành, các bên tham gia có nghĩa vụ chấp nhận hàng hóa của các bên ký kết sử dụng sổ tạm quản theo mẫu của Công ước được tạm nhập tái xuất vào lãnh thổ nước mình theo quy trình thủ tục đơn giản được quy định tại Công ước và không thu khoản thuế hải quan nào.
Trên cơ sở đó, với tư cách là thành viên Công ước Istanbul, Chính phủ nhận thấy việc xây dựng Nghị định để thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul là cần thiết.
Có thể bạn quan tâm
Quản lý hàng tạm nhập tái xuất: Hải quan chật vật vì Bộ Công Thương?
09:14, 21/07/2016
Hàng tạm nhập tái xuất sẽ bị tịch thu nếu không tái xuất được
00:00, 25/07/2014
Đề nghị Quốc hội phê chuẩn gia nhập Công ước 105 của ILO
14:02, 28/04/2020
Công ước mới giải quyết tranh chấp
14:30, 23/08/2019
Công ước Singapore về Hòa giải sẽ tác động thế nào tới Việt Nam?
11:27, 22/08/2019