Nga gia tăng hoạt động quân sự, phương Tây dè chừng
Liên tiếp trong những tháng qua, Nga đã tiến hành nhiều hoạt động quân sự khiến các nước phương Tây nghi ngại.
Theo nguồn tin từ phương Tây cho biết Nga đang đổ khí tài quân sự tới khu vực biên giới với Ukraine, thực hiện các chuyến bay quân sự gần không phận bang Alaska của Mỹ và đẩy mạnh hoạt động tàu ngầm ở Bắc Cực. Ukraine cũng cho biết Nga đang triển khai hàng ngàn quân đến biên giới phía Bắc và phía Đông cũng như trên bán đảo Crimea.
Bên cạnh đó, máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của Nga còn thường xuyên bay gần không phận các nước NATO, khiến khối này phải điều máy bay lên ứng phó 10 lần chỉ riêng trong ngày 29/3 vừa qua.
Cuối tháng 3 cũng là thời điểm 3 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Nga liên tiếp chọc thủng lớp băng dày ở Bắc Cực trong một cuộc tập trận. Trong năm 2020, số lần máy bay quân sự Nga áp sát bờ biển Alaska đã tăng lên đáng kể, tính từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Mặc dù Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh hoạt động điều chuyển lực lượng của Nga trong phạm vi biên giới lãnh thổ là nhằm bảo đảm an ninh biên giới và không gây đe dọa cho bất kỳ nước nào, đồng thời chỉ trích, NATO cùng một số nước gần đây gia tăng hoạt động tại biên giới. Tuy nhiên, các nước phương Tây đang đẩy cao cảnh giác hơn với Nga.
Cụ thể, Tổng thống Joe Biden đã có cuộc trò chuyện với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ Sáu. Đây là cuộc trò chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo hai nước kể từ cuộc gọi cuối cùng của cựu Tổng thống Donald Trump vào tháng 7/2019. Sau cuộc trò chuyện, nhà lãnh đạo Ukraine đã tweet "Chúng tôi sát cánh bên nhau khi nói đến việc bảo tồn nền dân chủ của hai nước”.
Theo một quan chức NATO, các phái viên từ liên minh NATO đã gặp nhau để thảo luận về vấn đề này và bày tỏ lo ngại về các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn của Nga cũng như việc gia tăng các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn. Quan chức này cho biết: “Các hành động gây bất ổn của Nga làm suy yếu nỗ lực giảm leo thang căng thẳng tại miền Đông Ukraine. NATO tiếp tục ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine; đồng thời khối vẫn cảnh giác và tiếp tục theo dõi tình hình chặt chẽ ”.
Jim Townsend, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Châu Âu và NATO nhận định: “Nhiều khả năng Nga đang thăm dò và đang cố gắng xem Mỹ sẽ làm gì, NATO sẽ làm gì, Ukraine sẽ làm gì. Tuy nhiên, trọng tâm của những hành động này là để đánh giá vị trí của chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden".
Hiện tại các quan chức Mỹ vẫn đang trong quá trình phân tích và đánh giá lại các chính sách ngoại giao chiến lược đối với Nga được xây dựng dưới thời cựu Tổng thống Trump, bao gồm cả một vụ tấn công lớn vào các cơ quan chính phủ Mỹ mà Washington đã quy trách nhiệm. Điện Kremlin.
Bên cạnh đó, các nhà quan sát và các chuyên gia vẫn đang cố gắng tìm ra ý định của Nga đằng sau việc triển khai các hoạt động quân sự dường như vượt quá nhịp độ bình thường của Moscow khi triển khai cho các cuộc tập trận quân sự.
Trong quá khứ, việc sáp nhập Crimea vào năm 2014 cũng bắt đầu bằng một cuộc tập trận quân sự lớn dọc theo biên giới phía tây của Nga với Ukraine. Các nhà quan sát lâu năm về cuộc xung đột giữa lực lượng chính phủ và quân ly khai được Nga hậu thuẫn đang đặt giả thiết rằng Nga đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới vào Ukraine, nhưng vẫn còn quá nhiều điều không chắc chắn.
Mặt khác, Robert Lee, một chuyên gia về quân sự Nga cho rằng, các động thái của Moscow rất có thể nhằm ngăn chặn Ukraine khỏi bất kỳ hành vi vi phạm nào trong tương lai. Ông nói: “Nga chỉ đơn giản cho thấy rằng họ đang chiếm được ưu thế”.
Có thể thấy rằng, quan hệ giữa các nước phương Tây, cụ thể là Mỹ và Nga đã "chạm đáy” sau khi Tổng thống Biden thể hiện rõ thái độ cứng rắn với Nga. Tuy nhiên chính quyền của ông Biden cũng dự định giữ kênh ngoại giao của Washington với Moscow để thúc đẩy lợi ích của Mỹ và giảm nguy cơ xuất hiện những hiểu lầm giữa hai nước.
Trong thời gian tới, Mỹ, Ukraine và NATO vẫn sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi động thái từ Nga. Bất kì kịch bản nào về mục đích của Moscow cũng đang được bỏ ngỏ. Và phương Tây cần chuẩn bị kỹ càng hơn để có bước đối phó kịp thời.
Có thể bạn quan tâm