Một số bộ, cơ quan giao và phân bổ ngân sách chưa đầy đủ cơ sở

NGUYỄN VIỆT 23/05/2022 20:48

Một số bộ, cơ quan trung ương giao và phân bổ chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; không phân bổ hết dự toán theo quy định; giao dự toán kinh phí thường xuyên, không thường xuyên chưa đảm bảo đúng quy định.

>>Quy hoạch “treo”, dự án “treo”: Người dân vất vả, nguồn lực lãng phí

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết khi trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, ngày 23/5.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh.

Báo cáo công tác kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu.

Dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu

Thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên… tác động lớn đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, ngoài dự báo khi Chính phủ trình và Quốc hội quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nêu rõ, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc; doanh nghiệp, người dân đồng hành ủng hộ đã góp phần hạn chế những tác động gây sốc, tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, và thu chi NSNN năm 2020.

Tuy nhiên, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 cho thấy nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục phải chấn chỉnh, khắc phục trong những năm tới.

Cụ thể, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019. Mặc dù Trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%, việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm.

Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cho thấy còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 chưa phù hợp quy định; chưa bố trí đủ, thậm chí không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước.

Một số bộ, cơ quan trung ương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng sau đó không được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Một số địa phương phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 53 dự án khởi công mới trong khi chưa ưu tiên cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 71/2018/QH14.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chỉ ra rằng, tại một số bộ, cơ quan trung ương giao và phân bổ chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; không phân bổ hết dự toán theo quy định; giao dự toán kinh phí thường xuyên, không thường xuyên chưa đảm bảo đúng quy định.

19/45 địa phương được kiểm toán bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; 2/45 địa phương giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học công nghệ thấp hơn dự toán Trung ương giao.

Cùng với đó, quyết toán năm 2020 bằng 98,1% so với dự toán giao, trong đó thu nội địa vượt 0,2% dự toán. Mặt khác, một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa nhưng đều hụt thu so với dự toán giao.

Đối với chi ngân sách nhà nước, qua kiểm toán cho thấy, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước thấp đã phần nào làm giảm hiệu quả đầu tư của nguồn vốn vay nước ngoài.

Ngoài ra, Chính phủ chưa kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét phương án bổ sung kế hoạch vốn làm cơ sở hạch toán, quyết toán theo quy định.

Còn trường hợp dư nợ đọng xây dựng cơ bản của những dự án thực hiện trước năm 2015 nhưng năm 2021 mới bố trí một phần để thanh toán; một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và phát sinh nợ xây dựng cơ bản trong năm 2021.

>>Nhân dân tin tưởng “không vùng cấm” với tham nhũng, tiêu cực

Rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế 198 văn bản không phù hợp

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, tổng chi chuyển nguồn tăng 8,6% so với năm 2019, trong đó ngân sách trung ương giảm 13,4% nhưng ngân sách địa phương tăng 18,3%. Một số bộ, cơ quan trung ương còn chuyển nguồn kinh phí không còn nhiệm vụ chi qua nhiều năm; 26/45 địa phương được kiểm toán chi chuyển nguồn cao hơn năm trước.

Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán. Rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Kiểm toán nhà nước đề nghị rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn.

Một số khoản kinh phí viện trợ đã được các bộ, cơ quan trung ương thực nhận trong năm 2020 song chưa được trình bổ sung dự toán chi kịp thời… Việc lập, gửi Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Bộ Tài chính, của Chính phủ còn chậm so với quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 70 Luật Ngân sách nhà nước.

Cơ chế hạch toán kế toán hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước trong thời gian chỉnh lý quyết toán của Tổng cục Hải quan còn chưa thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 42 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước về xử lý các khoản thu, chi cuối năm.

Trên cơ sở kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Kiểm toán nhà nước đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán.

Rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2021.

Cùng với đó, chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức rà soát, kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định đối với một số địa phương giao dự toán từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 cho các dự án chưa đảm bảo quy định.

Số vốn ngoài nước đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa hạch toán, quyết toán vào ngân sách nhà nước và số vốn viện trợ không hoàn lại đã thực nhận nhưng chưa được bố trí dự toán qua các năm.

Bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh đối với những hạn chế trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao dự toán từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 tại Quyết định số 118/QĐ-TTg chưa hoàn toàn phù hợp quy định về thẩm quyền cơ quan chủ trì tham mưu;…

Ngoài ra, Kiểm toán nhà nước cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm điểm, chấn chỉnh đối với những hạn chế như phân bổ chi tiết kế hoạch vốn vượt mức vốn được duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chưa phù hợp đối tượng quy định, không được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Giao kế hoạch vốn chậm và điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần, thậm chí điều chỉnh sau ngày 15/11/2020, giao kế hoạch vốn nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn mà tại thời điểm giao các dự án chưa nằm trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Có thể bạn quan tâm

  • Quy hoạch “treo”, dự án “treo”: Người dân vất vả, nguồn lực lãng phí

    17:07, 23/05/2022

  • Nhân dân tin tưởng “không vùng cấm” với tham nhũng, tiêu cực

    13:43, 23/05/2022

  • Cử tri kiến nghị tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá

    13:26, 23/05/2022

  • Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ vì sao ước thu khác xa thực tế

    11:00, 23/05/2022

  • Thách thức lớn từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6% - 6,5%

    10:56, 23/05/2022

  • 7 nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế

    12:44, 23/05/2022

NGUYỄN VIỆT