Homestay - Hướng đi mới cho du lịch Việt
Ở ngay nhà dân, ăn các món đặc thù địa phương, xem người dân làm việc , cùng hòa vào đời sống nông thôn, vùng sâu, núi xa nào đó, du khách sẽ có nhiều trải nghiệm mới mẻ, thú vị.
Homestay "lên đời" với du khách Asean
Theo ông Elton See Tan, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh – Trường Đại học Grace Christian, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Makati, Philippines: “Trong năm 2018, ASEAN sẽ là một thị trường du lịch nhiều cơ hội, đầy tiềm năng trong lĩnh vực du lịch và xu hướng du lịch sẽ là homestay – khách du lịch sẽ ở tại nhà dân bản địa để tìm hiểu văn hoá, khám phá và tìm những trải nghiệm mới.”
Ông cũng đưa ra số liệu thống kê trong năm 2017, con số khách du lịch đến thị trường ASEAN là 12.922.151 lượt, tăng 29,1% so với 2016. Trong đó, dẫn đầu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và số lượng lượt khách liên tục gia tăng vào thị trường này. Ông cũng đưa ra nhận định rằng sức cạnh tranh của ngành khách sạn đối với du lịch kiểu homestay đang có độ “vênh” không hề nhỏ và bất lợi đang nghiêng nhiều về ngành khách sạn, resort nghỉ dưỡng bên cạnh những yếu tố như quá nhiều đối thủ cạnh tranh, giá cả, chất lượng dịch vụ.., mặc dù homestay đã và đang ngày càng được nhiều du khách lựa chọn.
Homestay là hình thức du lịch mang tính cộng đồng, thực tế đang dần phổ biến, phát triển nhanh chóng và lan rộng trong các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới.
Nét riêng của loại hình du lịch cộng đồng này, hấp dẫn du khách chính là những điều mới lạ, phong tục tập quán, nét văn minh, văn hoá đặc thù độc đáo, đặc biệt là ở những vùng có yếu tố thiên nhiên đẹp, còn hoang sơ như miền núi, nơi vùng sông nước hoặc nơi có khí hậu đặc thù...
Một lợi thế nữa, theo chuyên gia du lịch Asean, đối với du lịch cộng đồng là chi phí thấp hơn so với sinh hoạt, nghỉ dưỡng trong khách sạn cao cấp.
Theo một khảo sát mới đây thì chi phí mà du khách chi cho du lịch homestay đắt đỏ nhất cũng chỉ khoảng 2/3 so với chi phí nghỉ dưỡng trong những khách sạn. Tuy nhiên, việc thoải mái trong giao tiếp, sinh hoạt, sự thân thiện của cư dân bản địa với du khách một điều hết sức cần thiết để khách du lịch có thể “trở lại” nhiều lần.
Điều này có thể tác động đến hiệu quả kinh doanh của ngành khách sạn, nhà nghỉ và sớm trở thành bài toán làm đau đầu các doanh nghiệp kinh doanh du lịch hướng nghỉ dưỡng, lưu trú cao cấp hay không, hay có thể là cơ hội kết hợp phát triển, chuyên gia đánh giá tùy thuộc vào tầm nhìn và khả năng tận dụng cơ hội của chính doanh nghiệp.
Mô hình Homestay ở Việt Nam
Đến với Việt Nam, một số du khách nước ngoài chia sẻ “ ở khách sạn hay hay nhà nghỉ thì ngoài việc ăn uống, ngủ nghỉ và nghe hướng dẫn viên giới thiệu về địa danh thì việc ở ngay tại nhà dân ăn cơm, trò chuyện với các thành viên thú vị hơn nhiều”. Nhiều du khách rất thích thú với những trò chơi dân gian, những câu truyện truyền thuyết bản địa và rất “hào hứng” với văn hoá ẩm thực của địa phương.
Tuỳ theo đặc điểm vùng miền, homestay khai thác thế mạnh dựa trên những đặc điểm vốn có để xây dựng một mô hình thích hợp. Ví dụ như ở miền Tây thì kết hợp với du lịch miệt vườn về quê bắt cá, tắm sông, đi chợ nổi, hái trái cây, nghe cải lương… hoặc ở miền núi khai thác cảnh quan thiên nhiên núi rừng, hang động, nhà sàn với nhiều hoạt động náo nhiệt như đốt lửa trại, nhảy sạp…
Hiện nay, mô hình du lịch homestay ở Việt Nam đa phần chỉ khai thác hết những thế mạnh sẵn có chưa có định hướng phát triển bài bản, ở nhiều nơi homestay chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch, như điều kiện ăn, ở, vệ sinh, nhiều du khách phàn nàn và chưa giúp du khách trải nghiệm hết những đặc điểm mới lạ của văn hoá đặc thù nơi bản xứ. Ngoài ra, nhiều hộ, cá nhân khai thác đơn lẻ chưa tạo được lực hút mạnh và có cách làm, đầu tư hiệu quả như một công ty chuyên nghiệp.
Đặc biệt, theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, việc quy hoạch và định hướng phát triển ngành "công nghiệp không khói" ở các địa phương đòi hỏi các nhà quản lý cũng phải quan tâm và khởi đi từ yếu tố định vị, xây dựng thương hiệu địa phương.
"Ví dụ như Làng rau Trà Khúc, nếu không có một thương hiệu làng quê với giống rau gia vị đặc thù nổi tiếng thơm ngon, mở rộng xa hơn là không có thương hiệu của một không gian du lịch văn hóa giàu bản sắc ở miền Trung, sẽ khó có cơ hội thu hút du khách xa gần, gắn vào "chuỗi"-tour du lịch miền Trung bằng thế mạnh mô hình homestay.", chuyên gia Võ Văn Quang cho hay.
Một doanh nghiệp làm du lịch cho hay việc các hộ dân làm du lịch cộng đồng hiện nay chỉ là khai thác tận dụng hết những gì mà các chủ nhà có sẵn, rất nhiều hộ làm du lịch không có kiến thức về du lịch, thậm chí như cách đón tiếp, phục vụ khách, không đảm bảo các yếu tố vệ sinh, do đó, thực tế doanh nghiệp cũng rất loay hoay khi kết nối homestay mô hình gia đình để nâng cấp và gắn vào tour, kết nối các du khách cá nhân, đi lẻ có nhu cầu du lịch với thời gian dài hơn để trải nghiệm.
Vì vậy, dù được xem là hướng đi mới, đặc biệt phù hợp với Việt Nam trong thế mạnh còn nhiều vùng đất hoang sơ, người dân hiền lành thân thiện và đời sống văn hóa giàu bản sắc, song các doanh nghiệp và chính mỗi người dân làm du lịch, nếu không có định hướng hay ý thức nỗ lực, thay đổi, cũng có thể tự tay đánh mất cơ hội này, tiếp tục tiễn du khách sau các tour đến Việt Nam, nghỉ dưỡng hoặc homestay và "một đi không trở lại"