Khơi thông tiềm năng du lịch Cái Bè
Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tập trung nguồn lực, huy động đầu tư để Cái Bè trở thành một mô hình điểm về du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng
Tạo động lực phát triển cho “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn tỉnh nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Năm 2013, lần đầu tiên tỉnh Tiền Giang phối hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè) và khánh thành 3 công trình du lịch do JICA tài trợ.
Điểm nhấn du lịch
Đây là một trong những hoạt động trọng tâm trong chương trình phối hợp giữa Tiền Giang và JICA nhằm giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn tại địa phương kết hợp với bảo tồn và giữ gìn những ngôi nhà cổ trong di sản văn hóa du lịch quý giá tại Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Thông qua đó, quảng bá các sản phẩm du lịch với du khách trong nước, ngoài nước, đặc biệt là tôn vinh loại hình du lịch thông qua di sản (di tích làng cổ) để thu hút du khách cũng như tạo điều kiện để nhân dân địa phương tham gia hoạt động kinh doanh du lịch theo hướng xã hội hóa và được hưởng lợi từ du lịch.
Theo tư liệu lịch sử, vào thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông thuộc xã Đông Hòa Hiệp hiện nay làm lỵ sở của dinh Long Hồ. Đến năm 1757, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ (ngày nay là TP. Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long). Trong suốt 25 năm là lỵ sở, dinh Long Hồ, làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan lại và đại địa chủ đến sinh sống, làm cho vùng đất này trở nên trù phú. Từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nhiều ngôi nhà đuợc xây cất bằng các loại gỗ quý, có mái lợp ngói, cao và rộng, kiến trúc theo lối kết hợp giữa phương Đông lẫn phương Tây đã góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác.
Hiện nay, Đông Hòa Hiệp có 7 căn nhà cổ từ 150 - 220 năm và 29 ngôi nhà từ 80 - 100 năm. Các ngôi nhà ở đây dù đã trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh nhưng vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc. Đến Đông Hoà Hiệp, du khách có thể trải nghiệm dịch vụ du lịch homestay, nghỉ ngơi, ăn uống ở nhà cổ.
Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè: Đề án "Phát triển Lễ hội du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp trở thành sản phẩm đặc trưng của tỉnh Tiền Giang" đã được UBND tỉnh phê duyệt, từ nay đến năm 2020, lễ hội này sẽ được tổ chức 2 năm/lần. Từ năm 2021 đến năm 2030, tỉnh nâng lên mỗi năm tổ chức lễ hội một lần, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh nói chung và huyện Cái Bè nói riêng. Chúng tôi phát triển lễ hội mang tính bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc văn hóa - lịch sử, góp phần khẳng định thương hiệu du lịch huyện Cái Bè trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên và đặc trưng văn hóa của vùng.
Khai thác tiềm năng
Làng cổ Đông Hòa Hiệp đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của du lịch Cái Bè. Năm 2017, Cái Bè có trên 164.000 lượt khách trong và ngoài nước tham quan, tăng 9,8% so với cùng kỳ, trong đó phần lớn là khách quốc tế đến tham quan các điểm nhà cổ, làng nghề, vườn cây ăn trái, ...
Cùng với Đề án bảo tồn và phát huy Chợ nổi Cái Bè (Tiến hành lắp hệ thống chiếu sáng; phao tiêu phân luồng, cầu bến, nhà vệ sinh, ...), dự án công viên trái cây sắp được hình thành trong tương lai, Cái Bè đang tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn với nhiều loại hình: du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng sông nước, miệt vườn; du lịch tìm hiểu văn hóa truyền thống; du lịch tham quan di tích lịch sử, văn hóa; du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe;...
Hiện tại, huyện Cái Bè đã và đang kêu gọi đầu tư 18 dự án với tổng số vốn hơn 408 tỷ đồng gồm: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mekong Riverside (7 ha ở xã Hòa Khánh); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mekong Lodge (15 ha ở xã Đông Hòa Hiệp); Điểm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hòa Hưng (10 ha ở xã Hòa Hưng); Cồn Quy (7 ha ở xã Tân Thanh); Xây dựng cơ sở hạ tầng làng cổ Đông Hòa Hiệp; Trùng tu nhà cổ Đông Hòa Hiệp (3 nhà ở xã Đông Hòa Hiệp); Làng nghề truyền thống (2 làng ở xã Đông Hòa Hiệp);… Các dự án này sẽ góp phần xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch hoàn chỉnh, đồng bộ để hình thành một điểm hấp dẫn về du lịch, đặc biệt đối với du khách quốc tế.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Chúng tôi tập trung nguồn lực, huy động đầu tư để Cái Bè thành một mô hình điểm về du lịch sinh thái- nghỉ dưỡng, tạo đầu tàu, làm động lực cho “ngành công nghiệp không khói” trên địa bàn tỉnh và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long phát triển.
“Nhu cầu đầu tư cho du lịch của huyện Cái Bè trong giai đoạn 2015 - 2020 là 293 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư chiếm tỷ lệ 21,16%, vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ 78,84%. Nhu cầu đầu tư cho giai đoạn 2021 - 2025 là 408 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư chiếm tỷ lệ 8,5%, vốn xã hội hóa chiếm tỷ lệ 91,5%. Vì vậy, Cái Bè khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch, đầu tư các dự án phát triển du lịch để tạo ra sản phẩm đa dạng, đặc trưng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của du khách; phát huy tối đa nguồn lực địa phương cho phát triển du lịch”, ông Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ.