Tết cổ truyền không chỉ là tết, mà còn là…
Kể từ khi Giáo sư Võ Tòng Xuân làm “nóng” dư luận khi đề xuất gộp tết ta vào tết tây. Từ đó, cứ mỗi lần tết đến, người ta lại đưa vấn đề này ra bàn luận râm ran.
Đề xuất gộp tết ta với tết tây đã và đang gây nhiều tranh cãi.
Những người ủng hộ gộp tết cổ truyền với tết dương lịch nhìn chung đều cho rằng, việc nghỉ tết cổ truyền kéo dài gây tốn kém, lãng phí, giảm năng suất, hiệu quả lao động, lỡ cơ hội làm ăn, kinh doanh với nước ngoài, góp phần phát sinh nhiều tệ nạn như ăn chơi, nhậu nhẹt, cờ bạc..v..v.
Trong số những quan điểm ủng hộ gộp tết, người viết xin được dẫn một góc nhìn gây tranh cãi của một Nhà văn trẻ mới nổi thời gian qua là Tuệ Nghi như thế này: “Hội nhập kinh tế nhưng vẫn muốn giữ khư khư lề lối văn hoá truyền thống đó là Tết cổ truyền… Tết thì ngày càng “nhạt” mà cứ phải khăng khăng “giữ hồn”?”
Vậy xin mạo muội hỏi riêng cô Nhà văn trẻ nói riêng và những người ủng hộ hộ gộp tết nói chung một điều: Một cái tết cổ truyền người Việt đóng góp cho khối ngành dịch vụ bao nhiêu doanh thu? Thu hút bao nhiêu nguồn tiền từ nước ngoài đổ về thông qua du lịch và kiều bào? Đây, há chẳng phải là một góc cạnh của kinh tế? Hoặc, cái lúc người ta không nghỉ tết, năng suất nó vẫn thấp thì lỗi tại ở đâu, trong khi có mấy ngày tết để mọi người sum họp gia đình thì lại kêu thiệt hại kinh tế, năng suất thấp?
Nguy hiểm hơn, hiện nay trong đám người trẻ tuổi hay than vãn: Tết nhất chán chết, chẳng thấy gì vui. Rồi khoe tết này đi Sa Pa, đi Phú Quốc, có người sang trọng hơn thì rầm rộ bảo nhau đi Singapore, đi Thái Lan… Ba ngày tết trốn biệt nhà để lại ông bà, bố mẹ già lụi cụi làm tết với nhau.
Hoặc không thì ba ngày tết bàn thờ tổ tiên nguội lạnh. Cách ăn tết này của lớp người trẻ tuổi tưởng như là đặc biệt thì lại phản ánh cái gốc văn hóa của họ có cái gì đó… mong manh.
Hơn nữa, mong mọi người hãy nhớ, đừng mang truyền thống văn hóa của dân tộc chê trách. Bỏ tết cũng có thể nói đồng nghĩa với bỏ luôn tổ tiên, ông bà, quên mất rằng mình là người Việt Nam, quên cội nguồn dân tộc, quên phong tục tập quán.
Các Mác và Ăngghen còn nói là “chất lượng cuộc sống không đo bằng thời gian lao động mà bằng thời gian nghỉ ngơi”. Nhưng không phải là kiểu nghỉ ngơi mà quên đi nguồn cội văn hóa.
Có người bức xúc với những ý kiến bỏ tết cổ truyền: “Dân ta luôn hướng về truyền thống về cội nguồn. Cả năm người lao động làm quần quật chỉ chờ cái tết mới dám cho bản thân và gia đình nghỉ ngơi, ăn uống, thư giãn… Ai không thích tết cổ truyền thì đi khỏi Việt Nam ngay và luôn cho. Ở lại làm gì rồi phàn nàn này nọ. Cớ gì vì lẽ ích kỉ của vài cá nhân mà phải lên mạng bàn tán xôn xao”.
Cần phải biết, hương vị của tết cổ truyền, mọi thứ đều mang ý nghĩa văn hóa tinh thần lớn lao:
Từ giữa tháng Chạp, nhiều nhà đã có hoa cúc, hoa cúc vạn thọ nở thắm tươi ở trước sân báo hiệu một mùa Xuân đến sớm. Những người chơi mai là những người biết yêu cái sắc màu, hương nhụy, cái tâm hồn và cốt cách của mai. Hoa hồng, hoa lan cũng là hoa quý; có hồng tường vi pha trà uống, ngát hương thơm. Từ 23 tháng Chạp, nhiều nhà đã mua đào quất về chưng - thứ cây đặc trưng nhất của tết cổ truyền. Đến cuối xuân, hoa tàn để lại cho người ta một nỗi niềm thương hoa, tiếc xuân.
Đến tết thì có hàng loạt lễ hội vui xuân, người dân được xem các trò chơi: Đánh vật, kéo co, bịt mắt bắt dê, hội bài chòi, xổ cổ nhân, hát bội nữa... Rồi, tết là những ngày đi nhẹ nói khẽ, không nói bậy, chỉ chúc tụng nhau may mắn thịnh vượng, bỏ qua những điều xui xẻo.
Không dừng lại ở đó, cái tết còn gắn bó tình cảm gia đình. Cái tết còn đánh thức tình cảm với dòng tộc, đánh thức tình cảm với quê hương với xóm làng, đánh thức đạo làm người..v..v.
Thế mới nói, việc gộp tết là điều hệ trọng, không thể tùy tiện quyết định, cũng không gói gọn trong suy nghĩ đơn giản là “tốn kém” một vài ngày nghỉ. Bởi, tết cổ truyền không chỉ là chữ tết, mà nó đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong mỗi con người Việt, của mỗi dân tộc Việt. Là một trong những nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của một đất nước với hơn 4000 năm văn hiến.