Ngẫm về chữ “thời” xưa và nay
Cục diện quốc tế của Việt Nam giờ đây cũng gắn với chữ “thời” như một cuộc hẹn với lịch sử trước mùa Xuân Mậu Tuất này.
Mỗi khi thời thế thay đổi thì phải quyền biến như tiền nhân từng khuyên: “Gặp thời thế thế thời phải thế! Nhân hòa còn quan trọng hơn cả thiên thời và địa lợi!”. Thời ngày nay không chỉ là thời cơ, mà còn có nghĩa là vận khí quốc gia...
Từ chữ “thời” thuở ấy…
Bách Sắc mùa Xuân 1945, quân Tưởng rắp tâm nhòm ngó, muốn sang ta để chuẩn bị “Hoa quân nhập Việt”. Đầu tháng 4/1945, Thường vụ Trung ương Đảng đã cử ông Hoàng Quốc Việt dẫn một phái đoàn đến Bách Sắc tham gia hội nghị với Việt quốc, Việt cách để nắm thêm tình hình. Tại đây, ông Hoàng Quốc Việt đã gặp lại Bác Hồ. Điều thú vị là cả hai đều “đóng kịch”, làm như không biết nhau, chỉ gặp nhau bên ngoài Hội nghị một cách bí mật. Bác đã tranh thủ phân tích thời cuộc và khuyên đoàn liệu thu xếp để về nước sớm. Điều quan trọng là tư duy quốc tế đã gặp tư duy nội địa. Khi ông Hoàng Quốc Việt ngỏ lời: “Cách mạng Việt Nam lúc này phải có tay lái vững, tay lái đó chính là Bác”. Bác cười và nói: “Thắng lợi của cách mạng phụ thuộc vào lực lượng của nhân dân, sức mạnh của nhân dân. Cá nhân sẽ không làm nên chuyện gì nếu không có nhân dân”. Điều đó có nghĩa, nhân hòa còn quan trọng hơn cả thiên thời và địa lợi!.
Đầu năm 1945, Bác trở lại Trung Quốc để liên lạc với một bộ phận của Đồng Minh ở Vân Nam. Tại đây, Bác lấy cớ trao trả viên phi công cho lực lượng không quân Mỹ tại Trung Quốc để mở ''mặt trận ngoại giao'' với Mỹ. Tướng Claire Chennaul đã cảm ơn Việt Minh cứu thoát, chăm sóc hết sức tử tế viên phi công. Chữ “thời” ngày ấy gắn với thời cuộc một cách thần tình như vậy. Chúng ta đã “gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít…” như Tuyên ngôn Độc lập về sau có nhắc lại.
Liễu Châu mùa Xuân 1944, từ Côn Minh, máy bay của không quân Mỹ đưa Bác sang Liễu Châu. Tại đây, Bác dự Đại hội quốc tế chống xâm lược. Trước các đại biểu, Bác nói: “Lịch sử chống xâm lược của Việt Nam vừa oanh liệt lại vừa bi tráng. Nó để lại cho chúng tôi một bài học là: ''Thiếu một sức mạnh nhất trí của cả nước, thiếu sự giúp đỡ mạnh mẽ của bên ngoài, thì cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được…''. Tầm chiến lược của Người được thể hiện ở việc nắm bắt các chiều kích của chữ “thời”: Không chỉ là thời cơ, hoàn cảnh thuận lợi đến trong một thời gian ngắn, phải hết sức tranh thủ, không được bỏ lỡ. Chữ “thời” ở đây còn là vận khí quốc gia. Người xưa dạy: “Bôn ba không qua thời vận” là trong ý nghĩa ấy.
Luận về chữ “thời” ngày nay
Mùa Xuân Mậu Tuất 2018 này, nhắc lại thời cuộc ngày ấy để thấy hết tính bất biến của chữ “thời” đương đại. Khái niệm “Ấn Độ- Thái Dương” đã hé lộ những thay đổi tiềm ẩn trong cục diện an ninh khu vực. Bằng chứng rõ nhất là Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản đã nhất trí thành lập một lực lượng chung để tuần tra và phát huy tầm ảnh hưởng trên các vùng nước từ Ấn Độ Dương tới Thái Bình Dương, bao gồm cả biển Đông và biển Hoa Đông. Sự hình thành "Bộ tứ" được đề xuất vào năm 2007 bởi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Sáng kiến "Bộ tứ" nay trở lại và đạt bước tiến đầy bất ngờ vào ngày 12/11/2017, khi đại diện Mỹ-Nhật-Ấn-Australia chính thức họp lần đầu tiên tại Manila, Philippines, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 31.
Về mặt kinh tế, sáng kiến "Bộ tứ" được xem là câu trả lời để đáp lại "một Vành đai- một Con đường" của Trung Quốc, do ông Tập Cận Bình khởi xướng, nhằm thiết lập con đường thương mại trên bộ và trên biển xuyên Á-Âu lấy Trung Quốc làm trung tâm. Dù các thành viên "Bộ tứ" phủ nhận mục tiêu hợp tác nhằm vào "bên thứ ba", nhưng giới quan sát cho rằng bốn nước ấy đã nhận thấy mối đe dọa tiềm ẩn đối với hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu. Bốn nước đã khẳng định hướng tới thúc đẩy tự do, tự chủ trong khu vực. Giới quan sát nhận xét, các yếu tố đó là tiền đề cho phép nhóm hợp tác phát triển thành một "NATO châu Á" và đem lại sự thay đổi kịch tính trong bức tranh an ninh khu vực nhiều thập kỷ tới.
Trong khi đó, Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ (NSS) tăng cường cam kết của Washington bảo vệ quyền “tự do đi lại trên biển và giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh thổ, biển đảo dựa trên luật pháp quốc tế”.
NSS là một phần trong chính sách đối ngoại ở Đông Á của Tổng thống Trump theo hướng "cân bằng cứng". Ông coi đây là cách để duy trì sự hiện diện của Mỹ tại khu vực này, sau khi Nhà Trắng tuyên bố chính sách "xoay trục châu Á" của ông Obama đã kết thúc và ông Trump rút Mỹ khỏi TPP. Dù là siêu cường duy nhất trên Thái Bình Dương từ sau Thế chiến II, sức mạnh đối ngoại và quân sự của Mỹ hiếm khi vươn tới Ấn Độ Dương. Nhưng thỏa thuận mới với Nhật, Ấn Độ và Australia đã thể hiện được cam kết toàn diện của Washington ở khu vực, đồng thời làm rõ tầm quan trọng của một đồng minh như Ấn Độ. Các nước khác trong khu vực châu Á đều có thể hưởng lợi từ quan hệ hợp tác đa phương do Mỹ dẫn dắt tại châu Á. Điều này cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của địa-chính trị hàng hải trong một thế giới hội nhập.