Không “bẫy”… doanh nghiệp!

Phan Nam 03/03/2018 05:34

Không “bẫy” doanh nghiệp! Đó là tinh thần, là phương châm được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh khi kiểm tra các Bộ, ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu và cắt giảm các điều kiện kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng

Có thể bạn quan tâm

  • Chấn chỉnh kiểm tra chuyên ngành

    Chấn chỉnh kiểm tra chuyên ngành

    05:49, 01/03/2018

  • Tháo "nút thắt" kiểm tra chuyên ngành

    02:13, 27/01/2018

  • Kiểm tra chuyên ngành ám ảnh doanh nghiệp

    06:31, 10/01/2018

  • Bộ GTVT chưa đáp ứng kiểm tra chuyên ngành

    16:25, 25/12/2017

Trên thực tế, về lĩnh vực cắt giảm các điều kiện kinh doanh, hiện số lượng ngành nghề kinh doanh có điều kiện đã giảm so với trước đây nhưng vẫn còn khá nhiều, tới 243 ngành nghề.

Không những vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng còn nêu thực trạng: Nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, không rõ ràng, cụ thể, như yêu cầu ‘phải phù hợp’, ‘phải đủ’, ‘phải có đạo đức tốt’, ‘phải có trình độ’, ‘phải sạch sẽ’, ‘phải thoáng mát’… gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí doanh nghiệp nói là ‘cài cắm câu chữ để bẫy doanh nghiệp’, để lúc vui vẻ thì cho qua, không vui vẻ thì bắt luôn”.

Rõ ràng, đằng sau việc “cài cắm” câu chữ là những lợi ích cục bộ của các bộ, ngành không dễ gì cắt bỏ.

Chẳng hạn, trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, trong năm 2017, Tổ công tác đã tiến hành kiểm tra 9 cuộc, một số bộ đã công bố cắt giảm nhưng chưa có giải pháp cụ thể. Hiện Bộ Y tế vẫn còn 802 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, cần cắt giảm 401 mặt hàng theo Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ.

Tương tự, Bộ NN&PTNT còn 7.698 dòng hàng phải kiểm tra, Bộ Công Thương còn 702 mặt hàng, Bộ Thông tin và Truyền thông còn 143 mặt hàng, Bộ TN&MT còn 110 mặt hàng, Bộ GTVT có 127 mặt hàng, Bộ Xây dựng có 64 mặt hàng…

Thậm chí, các mặt hàng còn bị kiểm tra chồng chéo bởi nhiều cơ quan, như xe máy phân khối lớn trên 175 m3, cần trục, cẩu trục… (Bộ Công Thương và Bộ GTVT); nồi hơi (Bộ Công Thương và Bộ LĐTB&XH); mặt hàng sữa, mỡ (Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT)…

Đối với điều kiện kinh doanh, Bộ Y tế có 853 điều kiện kinh doanh, Bộ GTVT có 498 điều kiện kinh doanh, Bộ NN&PTNT còn 345 điều kiện, Bộ Tài chính còn 447 điều kiện, Bộ Thông tin và Truyền thông còn 250 điều kiện… Nhiều bộ cũng đã công bố việc cắt giảm nhưng chưa có phương án cụ thể sửa đổi các nghị định.

“Thủ tướng yêu cầu các bộ gương mẫu cắt bỏ giấy phép con, các điều kiện kinh doanh, thủ tục gây khó khăn cho doanh nghiệp, tiến tới cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp. Việc cắt giảm, bãi bỏ phải thực chất chứ không cắt giảm cơ học thuần túy, không chỉ sửa câu chữ, không bỏ cái này mọc cái khác, không cài cắm câu chữ.”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Phan Nam