Tỷ phú làng quê và tỷ phú đôla

Trương Khắc Trà 10/03/2018 05:31

Chuyện học rồi mang bằng về treo gác bếp, cử nhân phụ hồ, thạc sỹ kinh doanh tự do, tiến sỹ chạy đôn chạy đáo kiếm hợp đồng thỉnh giảng hiện khá phổ biến.

Khi những đầu óc mơ mộng hàn lâm bị quăng quật giữa trường đời, số không nhỏ đã vùng dậy trở thành những tỷ phú làng quê mà chẳng liên quan gì đến mớ kiến thức đã học.

Ngôi làng nhỏ Linh Chiểu, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) một thời bàn ra tán vào vì ba chàng thanh niên, một tốt nghiệp đại học Giao thông vận tải, một là thạc sỹ Kinh tế và một là cử nhân Kinh tế cùng nhau bỏ công việc lương cao ở thành phố về quê… mở xưởng bún. Với thương hiệu bún sạch Vạn Linh nổi danh, họ được dân địa phương gọi là tỷ phú làng quê.

Ở Kiến Xương (Thái Bình) nhiều người biết đến chàng kỹ sư trẻ Phạm Ngọc Hưng bỏ công việc bàn giấy ở một công ty nhà nước về quê làm ruộng với quy mô hơn 20 héc ta. Anh đầu tư thêm hệ thống xay xát, kho bãi, thu gom nguyên liệu trở thành một chu trình sản xuất cung ứng cám gạo khép kín. Cú rẽ sự nghiệp đột ngột của Hưng cũng gian nan không kém, nhưng hiện tại anh đã có cơ ngơi đồ sộ.

Còn hàng tá câu chuyện về những tỷ phú làng quê, họ đi lên bằng vô số con đường khác nhau nhưng đều chung nhau điểm "ngược gió" cộng với ý chí, nghị lực quyết tâm làm giàu. Những tỷ phú làng quê, nhiều tỷ phú quốc gia và một vài tỷ phú USD họ cũng giống nhau như thế.

 4 tỷ phú Việt Nam lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes.

Câu chuyện ông Phạm Nhật Vượng từng khởi nghiệp bằng mỳ ăn liền ở Châu Âu, với xưởng bún ở làng quê nghèo tỉnh Quảng Trị không xa nhau là mấy. Có gì cản trở những người trẻ ủ giấc mơ lớn hơn? Vì ở đó có những con người sẵn sàng đối đầu với khó khăn, có kiến thức, có hoài bão làm giàu.

Tạp chí Forbes mới công bố thêm 2 tỷ phú USD người Việt, như vậy cả thảy Việt Nam có 4 tỷ phú USD là ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjetair), ông Trần Đình Long (Hòa Phát), ông Trần Bá Dương (Thaco).

Việt Nam đã hơn 30 năm đổi mới nhưng hiện mới chỉ có khoảng 4 tỷ phú với tài sản cao nhất cũng chỉ 4,3 tỷ USD thì vẫn còn khiêm tốn. Vì sao một đất nước 93 triệu dân mới chỉ có 4 tỷ phú USD? Dường như có một trở lực gì đó rất vĩ mô, vì độ giàu có của từng cá nhân luôn tỷ lệ thuận với sự hùng mạnh của kinh tế tư nhân, sự nổi danh của thương hiệu. Tỷ phú - họ là những ngọn cờ tiên phong trong nền kinh tế, dáng hình của họ phản ảnh chính xác nhất hình hài của thể chế. Tinh thần khởi nghiệp tự nó sẽ mở lối đi như quy luật sinh tồn, nhưng đi nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào chính sách, chủ trương từ nhà nước.

Trương Khắc Trà