Bao giờ hết “mãi lộ”?
Không ai có thể phủ nhận rằng, lực lượng cảnh sát giao thông đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Nhưng thử gõ cụm từ “cảnh sát giao thông mãi lộ” thì có ngay khoảng 120.000 kết quả chỉ trong vòng 0,39 giây. Kết quả này đủ để thấy “độ nóng” của vấn đề “mãi lộ”.
Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip dài hơn 7 phút, ghi lại nhiều hình ảnh người vi phạm giao thông rút trong ví ra các tờ giấy giống các tờ tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 đồng hoặc cầm trên tay đưa trực tiếp, hay nhét vào tập hồ sơ của CSGT.
Hình ảnh đó được xác định là cán bộ chiến sĩ thuộc Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội. Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng phòng CSGT cho biết: “Phòng đã thành lập một tổ công tác làm rõ những nội dung mà các báo nêu và đã tạm đình chỉ các cán bộ chiến sĩ xuất hiện trong clip”.
Đã có một số quan điểm đưa ra như, muốn hạn chế vấn đề mãi lộ thì “cần quan tâm đến tiền lương của CSGT. Chấp nhận tăng lương cao cho CSGT”. Thế nhưng, căn cứ vào Bảng lương và phụ cấp trong Quân đội, Công an năm 2018, mức lương hiện tại của cán bộ mang hàm Thượng úy: 5.35, Đại tá: 8.40 (vì phần lớn lực lượng đứng đường toàn mang hàm cao nên xin dẫn chứng hệ số lương của hai bậc hàm này). Với hệ số lương đó, không thể nói là lương của cán bộ chiến sĩ thấp. Đó là chưa nói đến quy định tăng mức lương cơ sở có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
Đồng ý là có lỗi của người dân khi yêu cầu chung chi, nhưng cũng có nhiều trường hợp CSGT đưa ra yêu cầu. CSGT là lực lượng thực thi pháp luật của Nhà nước, trước hết họ phải gương mẫu, họ bắt dân vì vi phạm luật giao thông, nhưng chính họ lại nhận chìa tay ra nhận từng đồng hối lộ của dân.
Chuyện mãi lộ của CSGT TP Hà Nội bị phát giác làm người viết nhớ lại lời của một vị chuyên gia khi ông nói rằng: “Hiện nay không chỉ của các nhà đầu tư BOT nhằm thu hồi vốn mà đó là các trạm thu phí “vô hình” của lực lượng CSGT”.
Qua đó, dư luận không đồng tình với một số phát biểu kiểu cho qua trách nhiệm như: Sự việc chỉ là “Con sâu làm rầu nồi canh”? Vậy người dân chúng tôi xin hỏi: Vô số trạm BOT “vô hình” khác thì có bao nhiêu con sâu?
Tức là, Bộ Công an muốn chống tiêu cực về nạn mãi lộ của CSGT thì Bộ có chính thức thừa nhận các trạm “vô hình” kia đang tồn tại hay không? Chỉ cần thừa nhận và phát lệnh “phát hiện CSGT tiêu cực là cho ra khỏi ngành”. Nếu có cái lệnh này thì đố đồng chí nào dám tiêu cực vì sẽ có hàng triệu con mắt người dân, hàng nghìn camera của dân sẽ ghi hình… cung cấp chứng cứ.
Tiếc rằng, các trạm thu phí “vô hình” này là chuyện hoàn toàn không mới và điều đáng nói là cách các cơ quan có liên quan xử lý các CSGT nhận mãi lộ cũng không mới: Chỉ tuyên bố xử lý, đình chỉ công tác những người được nhận diện. Và đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng CSGT mãi lộ cứ dai dẳng.
Bên cạnh đó, dù bị lên án nhiều nhưng dường như các Bộ, ngành có vẻ đều mang một nỗi sợ chung đó là: “Nếu đuổi hết cán bộ nhũng nhiễu thì lấy ai làm việc? Vậy nên, bao giờ cho hết “mãi lộ”?
Câu hỏi này chắc nhiều năm sau nữa vẫn chưa thể có câu hồi đáp.