Thách thức “lao động 4.0”
Để vận hành một xã hội công nghiệp cần phải có con người có tác phong công nghiệp, để vận hành xã hội 4.0 cần có những con người phiên bản 4.0.
Song hành với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ có nhiều thuật ngữ đính kèm, ví dụ “con người 4.0”, “xã hội 4.0”, “văn hóa 4.0”, ‘tri thức 4.0”, “lao động 4.0”… tất tần tật phải gắn đuôi 4.0 nếu muốn tồn tại và phát triển.
Thế giới chọn ngày 1/5 hàng năm làm ngày kỷ niệm cho phạm trù “lao động”, vì lao động có vai trò đặc biệt quan trọng, thông qua lao động mà loài linh trưởng tiến hóa thành người tinh khôn, nhờ lao động mà loài người tự hoàn thiện mình, bằng lao động mà tri thức được khai mở…
Cho đến nay, ở giác độ lý luận, định nghĩa về lao động hay nhất, ngắn gọn nhất, triết lý nhất phải bình bầu cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nói: “Lao động là vinh quang, có lao động phẩm giá, nhân cách con người được rèn luyện”.
Nhưng đó là câu chuyện của ngày Quốc tế lao động.
Sẽ không vui nếu ngày nghĩ lễ mà ai đó tình cờ đọc được bài báo gợi lên bức tranh buồn về tình hình lao động của đất nước. Và nếu có thể, Việt Nam cần có riêng cho mình ngày “toàn xã hội lao động”. Tại sao không?
Không phải để ăn chơi nghỉ ngơi, mà để phát động một ngày làm việc bằng hai, bằng ba… sức lực như trước đây Bác Hồ từng phát động phong trào “Sóng duyên hải”, “Gió đại phong”…
Lý do ở chỗ: Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào.
Có thể bạn quan tâm
|
Lỗi thời, lạc hậu, chậm phát triển đều có chung một nguồn gốc năng suất lao động thấp kém, một vài mục tiêu phải lỗi hẹn đó là trở thành nước công nghiệp vào năm 2020; chưa giàu đã già.
Trong khi chúng ta có dấu hiệu hụt hơi với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 vừa mới nở rộ đầu thiên niên kỷ thứ hai thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã dạm ngõ.
Với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 điển hình bằng những phần mềm thông minh, nhiều vật liệu độc đáo, công nghệ rô bốt ngày càng tinh vi, những quy trình mới cùng hàng loạt dịch vụ sử dụng hệ thống website… Việt Nam thực sự làm chủ được bao nhiêu?
Samsung và công nghiệp phụ trợ nội địa như một mẫu chuyện đặc biệt để nói về khả năng học hỏi, tận dụng cơ hội để tiến tới làm chủ. Hơn 20 năm hợp tác với một doanh nghiệp dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3, những gì làm được chỉ là bao bì, in ấn và đóng gói sản phẩm.
Thuật ngữ “tỷ lệ nội địa hóa” được sử dụng để che lấp bớt khoảng trống công nghệ ngày một lớn so với khu vực và thế giới. Nhưng con đường “nội địa hóa” nhiều lắm chỉ “phụ trợ” và vẫn mãi mãi đi sau thiên hạ. Tại sao không phải là “phát minh, sáng tạo, làm chủ?”
Mắc mớ vẫn nằm ở năng suất lao động. Mấy chục triệu dân trong độ tuổi có khả năng sáng tạo đang già đi từng ngày, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn nằm đâu đó trong những trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm ngoài lãnh thổ.
Nếu năng suất lao động tốt hơn, không khó nắm bắt cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020 không phải lùi lại. Thu nhập bình quân đầu người không chỉ dừng lại ở con số 2.385 USD, Việt Nam không phải nằm trong nhóm “CLMV” (Cambodia, Lào, Myanmar, Việt Nam trong AEC).
Sẽ ứng phó ra sao với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4? Bằng thực tế ảo, bằng sự kết nối liên hoàn giữa các công nghệ, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.
Một cách giản đơn, cách đây một thập kỷ không ai dám nghĩ giữa bộ não con người và hệ thống máy tính có thể kết nối về mặt sinh học. Cách mạng 4.0 sẽ biến điều đó thành hiện thực!
Nói như Klaus Schwab – người sáng lập và điều hành Diễn đàn kinh tế thế giới: “Tốc độ đột phá của cách mạng công nghiệp 4.0 là không có tiền lệ lịch sử, nó phát triển theo một hàm số mũ chứ không phải tốc độ tuyến tính”.
Nói “không có tiền lệ” tức là, cách mạng công nghiệp 4.0 dựa hoàn toàn vào nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Hiện thế giới đang bị thống trị bởi công nghệ điện tử, công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Chúng ta vẫn chưa “thuộc” bài cũ 3.0 thì làm sao tiếp nhận bài mới 4.0?
Trước đây, mối lo thừa lao động chân tay do tự động hóa bằng rôbốt và phần mềm chỉ mới là nguy cơ, nhưng với 4.0 điều đó hiện thực ngay khi công nghệ mới chỉ là ý tưởng!
Ở thời đại 4.0 khái niệm “năng suất lao động” không còn là vấn đề, mọi thứ được giải quyết bằng bộ não con người từ lúc lập trình quá trình sản xuất. Để vận hành một xã hội công nghiệp cần phải có con người có tác phong công nghiệp, để vận hành xã hội 4.0 cần có những con người phiên bản 4.0.
Ăn gì ngon, chơi ở đâu vui nhân ngày 1/5? Điều đó có quan trọng bằng việc phải nghĩ cách cách kéo năng suất lao động cao lên. Một năm 8.000 lễ hội lớn nhỏ và hàng chục ngày nghỉ đã quá đủ.