Lương công chức có “khớp” với hiệu quả công việc?
Hiếm có quốc gia nào hơn 90 triệu dân mà “nuôi” đến 11 triệu người hưởng lương và các khoản…
Bỏ biên chế e rằng hơi khó nhưng sắp xếp cơ cấu lại cách trả lương cho cán bộ công chức là việc đáng lẽ phải làm từ rất lâu rồi.
Có thể bạn quan tâm |
Gần giống lương, trong đó đội quân “thường trực” là 2,8 triệu công chức, mỗi năm tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng nhưng hiệu quả công việc ở một số lĩnh vực vẫn là dấu hỏi lớn! Nhiều quốc gia phát triển không có chế độ biên chế, thậm chí Bộ trưởng được bổ nhiệm từ doanh nghiệp tư nhân nhưng hiệu quả công việc rất cao.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan từng đề xuất bỏ chế độ biên chế! Bỏ biên chế e rằng hơi khó nhưng sắp xếp cơ cấu lại cách trả lương cho cán bộ công chức là việc đáng lẽ phải làm từ rất lâu rồi. Thực tế đã nhiều lần cải cách chế độ tiền lương song vẫn chưa giải quyết được vấn đề giảm bội chi và tăng hiệu quả công việc.
Cải cách tiền lương cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang sẽ được bàn thảo ở Hội nghị Ban Chấp hành TW lần thứ 7 sắp tới. Đề án nêu rõ quan điểm: “tiền lương phải là thu nhập chính” bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình. Đề án đưa ra có điểm mới như: Mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương; các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương; khoán quỹ lương. Trả lương theo vị trí việc làm thật ra đã áp dụng nhiều năm nay, ví dụ người làm việc trong lực lượng vũ trang được áp dụng thang bảng lương riêng, cán bộ công chức, viên chức trong tổ chức Đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp được hưởng phụ cấp khác nhau.
Có một điều hơi khó giải thích, cán bộ công chức ai cũng ì xèo lương lá ba cọc ba đồng nhưng ai cũng muốn chen chân vào biên chế! Có phải mặc dù lương thấp nhưng ổn định, ổn định ở đây cả về mặt thu nhập đều đều và cả “ổn định” vì khó bị sa thải?
Có nhiều người làm sấp mặt nhưng cũng hưởng lương ngang bằng với những người ngồi lê đôi mách, trà lá hết ngày. Nên nút thắt ở chỗ, muốn giải phóng động lực làm việc thì phải tạo ra một cơ chế “mở” về tiền lương. Phải tạo áp lực công việc với người lao động bằng một mức lương hấp dẫn và cánh cửa “ra - vào” được mở rộng hơn, biên chế không đồng nghĩa với “tay cầm quyết định đời đời ấm no” mà không cần phải vắt óc nâng cao hiệu quả công việc.
Tuy nhiên, muốn trả lương theo hiệu quả công việc cần phải thiết kế lại hệ thống đánh giá cán bộ, công chức hiện đại hơn, thị trường hơn, chứ không phải tù mù như hiện nay một số lĩnh vực còn áp dụng. Không thể có chuyện đa số cán bộ hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ mà địa phương đó kém phát triển.
Nhà nước phải tính giảm chi bằng cách tự chủ hóa tài chính theo lộ trình đối với một số nhóm cơ quan đơn vị, ví dụ những đơn vị sự nghiệp như lĩnh vực dạy nghề, y tế, giáo dục… về lâu dài là các tổ chức đoàn thể, tổ chức nghề nghiệp.
Đến khi nào lương được trả theo hiệu quả công việc thì không cần giảm thì bộ phận yếu kém cũng tự loại mình ra khỏi guồng máy.