Thủ tục hành chính, “bóp” đầu “nở” đuôi?
Sự rườm rà thủ tục hành chính có liên quan mật thiết đến sự "phình nở" của nhiều cơ quan nhà nước và thái độ làm việc của cán bộ, công chức.
Phương châm của cải cách hành chính (CCHC) là hướng đến sự gọn nhẹ, tiện lợi, đơn giản. Biểu hiện rõ nhất của CCHC là bớt số lượng các bước, tờ khai, cấp, ngành xử lý.
CCHC có thể được lấy mốc “đẩy mạnh”, “tăng cường” từ thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải, từ đó đến nay sự rườm rà, nhiêu khê cắt giảm đáng kể. Hàng ngàn thủ tục được bãi bỏ, song ít khi người ta nhắc đến con số phát sinh.
Cần Thơ là một ví dụ, cắt được 1.223 thủ tục hành chính (TTHC) nhưng ban hành mới 1.113 thủ tục, như vậy con số giảm thực tế chỉ là hơn một trăm. Một báo cáo sơ bộ trong buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ - có thể quên ngay sau đó, nhưng rất có thể không những Cần Thơ mắc phải tình trạng này.
Có một thực tế khác, sau khi một Bộ Luật mới (sửa đổi) nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành hướng dẫn thực hiện, nhưng không làm giảm TTHC, thậm chí rườm rà hơn.
Ví dụ, lĩnh vực kinh doanh chất đốt (gas) Nghị định 107 và năm 2016 được sửa đổi thay thế bằng Nghị định 19. Sau khi Nghị định 19 ra đời, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực gas đã phản ánh về việc nghị định đã tăng thêm nhiều điều kiện kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
|
Trong lĩnh vực kinh doanh nhập khẩu ôtô, đã bãi bỏ Thông tư 20 ban hành năm 2011 về nhập khẩu ôtô dưới 9 chỗ. Thông tư này quy định trong văn bản nghiêng lợi thế về phía một số doanh nghiệp nhất định, và ở đây là các nhà nhập khẩu chính hãng, hoạt động chuyên nghiệp, quy mô và tổ chức bài bản.
Tuy nhiên, khi Nghị định 116 ban hành thay thế, sự trao quyền đã rõ ràng hơn. Chuyên gia kinh tế - PGS. TS Ngô Trí Long nhận định, Nghị định này không còn đường lách cho các doanh nghiệp nhập khẩu tư nhân.
Liệu còn nơi nào công bố số lượng TTHC được cắt giảm mà “quên” thống kê số lượng TTHC mới phát sinh? Cắt bỏ thủ TTHC trông triệt để tức là công cốc, có thể hình tượng hóa như đi quanh một vòng tròn, đi thế nào cũng trở lại vị trí ban đầu.
Nguyên nhân do đâu? Tại tiêu chí CCHC chưa được coi là hàng đầu khi ban hành văn bản mới hay là chưa tìm ra cách cắt giảm.
TTHC luôn bắt đầu bằng sự rườm rà của bộ máy nhà nước, quá nhiều cơ quan, đầu mối, chẳng nhẽ “ngồi chơi xơi nước”. Cùng một nội dung công việc nhưng có rất nhiều con đường “đi” từ nơi cao nhất đến nơi thực hiện.
Văn bản được phát đi từ Trung ương xuống tỉnh, huyện, xã, thôn, ấp… nhiều khi bị lệch so với bản gốc, các cơ quan tham mưu cấp Trung ương là các Bộ, ngành cũng ban hành chỉ đạo ngành mình từ trên xuống dưới. Cái được là huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng nguy cơ phát sinh rườm rà.
Thêm một nguyên nhân khác là sự cát cứ, tung tác ở nhiều địa phương, thực trạng đã cũ, “trên nóng dưới lạnh”, “trên nói một đằng dưới làm một nẻo”.
Mục tiêu cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 được lượng hóa qua rất nhiều con số. Ví dụ: 90% văn bản của cơ quan nhà nước được trao đổi dưới dạng điện tử; hầu hết dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4; sự hài lòng của người dân đạt 80%; 100% cơ quan nhà nước cơ cấu cán bộ công chức theo vị trí việc làm…
Còn chưa đầy 2 năm nữa sẽ hết niên hạn, sẽ có tổng kết, rà soát lại, thời điểm hiện tại rất quan ngại về một số mục tiêu không hoàn thành hoặc bị hình thức hóa.
Chẳng hạn như Cần Thơ, toàn thành phố có 1.800 TTHC nhưng chỉ cắt giảm được hơn 100, bao nhiêu năm nửa mới giảm được con số hàng ngàn?, trong khi sự rườm rà, rắc rối luôn thường trực với người dân, doanh nghiệp.