Chuyện chiếc thẻ lên tầu in tiếng Trung…

Sông Hàn 14/08/2018 11:00

Câu chuyện về chiếc thẻ lên tàu và những tấm biển chỉ dẫn các nhà ga của tàu Cát Linh – Hà Đông được in tiếng Trung ở trên tiếng Việt đã và đang gây xôn xao dư luận.

Chiếc thẻ lên tàu được phát hành ngày 11/8 gây xôn xao dư luận.

Ngày 11/8, Tổng thầu Trung Quốc tổ chức chuyến tham quan tàu Cát Linh - Hà Đông cho cán bộ, công nhân và người nhà để trải nghiệm dự án. Tổng cộng khoảng 200 người, trong đó có 40 người Trung Quốc. Người tham gia được phát thẻ lên tàu có in chữ Trung Quốc trước dòng chữ tiếng Việt.

Ngay sau khi chiếc thẻ lên tàu được phát hành, những tấm biển in song ngữ Trung – Việt với tiếng Trung to và ở trên tiếng Việt, người dân Hà Nội nói riêng và nhân dân cả nước nói chung quan sát thấy những tấm biển, tấm thẻ trên nên đã phản ứng gay gắt.

Mặc dù ngay sau đó, Ban Quản lý dự án đường sắt đã tổ chức họp chấn chỉnh, nghiêm khắc phê bình tổng thầu và có văn bản yêu cầu tổng thầu tập trung triển khai các công việc theo kế hoạch được phê duyệt. Các công việc triển khai không theo kế hoạch, tổng thầu phải báo cáo và được Ban QLDA Đường sắt chấp thuận trước khi thực hiện. Việc sử dụng, phát hành tài liệu, thông tin liên quan đến dự án phải thực hiện theo đúng điều kiện hợp đồng. Tại cuộc họp, tổng thầu đã nhận trách nhiệm về sự việc nêu trên và cam kết không tái diễn. Thế nhưng nhiều người dân Việt Nam vẫn tỏ ra băng khoăn và lo ngại trước sự việc này.

Xin được nhắc lại, dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Toàn bộ 12 nhà ga trên cao và khu Depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Thời gian khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến; tốc độ thiết kế tối đa 80 km/h, tốc độ khai thác bình quân là 35 km/giờ.

Dự án khởi công từ tháng 10/2009, có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây. Dự kiến, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này được đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải liên tục điều chỉnh tiến độ và lùi đến cuối năm 2018 mới có thể khai thác thương mại.

Đồng ý là, tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông đang trong thời gian vận hành thử, được xây dựng bằng tiền vay của Trung Quốc và do Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (EPC) thi công. Thế nhưng, sự hợp tác này hoàn toàn dựa trên nguyên tắc sòng phẳng có vay có trả, và nhà thầu Trung Quốc trong trường hợp này chỉ là một người làm thuê.

Với việc in chữ Trung Quốc ở trên chữ Tiếng Việt, có thể thấy, nhà thầu Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc sử dụng song ngữ trong các văn bản, biển hiệu, tên các công trình, các khu du lịch, địa điểm văn hóa… Bởi theo quy định, khi sử dụng song ngữ hay nhiều ngữ trong một văn bản thì tiếng của nước sở tại (ở đây là Việt Nam) phải được đưa lên đầu tiên, đấy là văn hóa, là chủ quyền quốc gia.

Với chuyện xảy ra ở tuyến Metro Cát Linh-Hà Đông, việc vận hành tàu dù do các chuyên gia Trung Quốc tiến hành, nhưng chắc chắn phải có sự tham gia và giám sát của Ban quản lý dự án là đơn vị thuộc Bộ GTVT Việt Nam. Vậy mà khi các biển chỉ dẫn của hầu hết các nhà ga từ Hà Đông - Cát Linh được treo lên, chiếc thẻ tàu được phát hành mà Ban quản lý không hề có động thái gì cho đến khi báo chí có ý kiến.

Hơn ai hết, đơn vị quản lý dự án phải hiểu và phải yêu cầu nhà thầu chấp hành các quy định của Việt Nam, chứ không thể cứ mãi “mũ ni che tai”, rồi khi xảy ra chuyện lại yêu cầu tổng thầu “tháo bỏ và rút kinh nghiệm sâu sắc”.

Chuyện “phố tàu”, “hàng tàu”, khách Trung Quốc mặc áo lưỡi bò nhập cảnh vào Việt Nam, hướng dẫn viên Trung Quốc xuyên tạc lịch sử Việt Nam… vốn chẳng có gì mới, báo chí đã tốn quá nhiều giấy mực để phản ánh sự việc. Câu chuyện về chiếc thẻ lên tàu và những tấm biển chỉ dẫn các nhà ga của tàu Cát Linh – Hà Đông được in chi chít bằng tiếng Trung ở trên tiếng Việt chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến dư luận phản ứng gay gắt.

Từ vấn đề này nhìn nhận rộng ra có thể nhận thấy, nguyên do cũng một phần là do chúng ta đang đánh mất dần bản sắc văn hóa dân tộc, quên đi dần lòng tự tôn dân tộc. Bởi, với mọi quốc gia có chủ quyền, trong trường hợp phải sử dụng tiếng nước ngoài thì ngôn ngữ chính thức của quốc gia mình phải được viết trước và không được nhỏ hơn ngôn ngữ nước ngoài.

Ngôn ngữ cũng chính là thể hiện của chủ quyền quốc gia, tự hào và tự tôn dân tộc!

Sông Hàn