Quy hoạch lại... quy hoạch!

ĐẠI DƯƠNG 16/08/2018 09:26

Thủ tướng vừa ký quyết định giao các Bộ lập 39 quy hoạch ngành quốc gia tầm nhìn đến năm 2050 trong các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Còn nhớ hồi cuối năm 2016, khi dự tổng kết năm của Bộ KH&ĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phải thốt lên: “Đất nước gì mà tới 20.000 quy hoạch”. Lúc ấy, Luật Quy hoạch đang được xây dựng và gặp nhiều lực cản.

p/Những quy hoạch cà phê, quy hoạch cá tra, quy hoạch hồ tiêu… chắc rồi cũng sẽ vắng bóng như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo đã được Bộ Công Thương bãi bỏ.

Những quy hoạch cà phê, quy hoạch cá tra, quy hoạch hồ tiêu… chắc rồi cũng sẽ vắng bóng như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo đã được Bộ Công Thương bãi bỏ.

Lạm phát quy hoạch

Tại phiên họp Chính phủ hồi tháng 4/2017, Thủ tướng lại phải nhắc lại điều mà ông đã nói trước đó: “Không thể để tình trạng đất nước có tới 20.000 quy hoạch. Tuy không bỏ việc quy hoạch như quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch hạ tầng cứng như điện, giao thông... nhưng cần chọn cái gì cần quy hoạch để giảm số lượng quy hoạch hiện nay”. Cũng từ đó, Thủ tướng chỉ đạo phải “hoàn thiện Luật Quy hoạch để chấm dứt tình trạng cái gì cũng quy hoạch, khiến Chính phủ mà lại đi bán bia, bán sữa...”. Sở dĩ Thủ tướng phải “gay gắt” như vậy là vì đầu năm 2017, trong một phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã “hoàn toàn bất ngờ” khi nhiều Thứ trưởng lại nói ngược lại những gì mà các thành viên Chính phủ đã bỏ phiếu thống nhất về dự luật Quy hoạch.

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất phân lại vùng kinh tế để xây dựng quy hoạch vùng

    16:39, 09/08/2018

  • Điều chỉnh Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa

    20:29, 08/08/2018

  • Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng thiếc, wolfram, antimon

    20:29, 03/08/2018

  • Hà Nội cần có cơ chế đặc thù trong xây dựng quy hoạch

    05:00, 13/07/2018

  • Quy hoạch mở và tư duy linh hoạt

    11:35, 16/06/2018

Dù là người khá ôn hòa và tế nhị, nhưng ông Dũng cũng… thẳng thừng: “Một cơ quan nào đó, một nhóm người nào đó bị đụng chạm quyền lợi khi Luật Quy hoạch ra đời, mặt khác họ trì trệ, chậm thay đổi”. Điểm tựa duy nhất của ông Dũng có lẽ là tình trạng “lạm phát” quy hoạch trên cả nước trong một thời gian rất dài.
Cũng chính vì vậy, Thủ tướng phải yêu cầu phải sớm hoàn thiện Luật Quy hoạch, nhắc lại tình trạng một số thứ trưởng nói ngược với ý kiến mà Chính phủ đã thống nhất với dự án Luật này. Có lẽ cực chẳng đã, Thủ tướng đã phải nói: “Khi Chính phủ đã thống nhất ý kiến, nếu ai nói ngược sẽ bị kỷ luật”.

Chẳng biết có phải là vì sợ bị kỷ luật hay không mà sau đó, dường như những ý kiến “trái chiều” về Luật Quy hoạch không còn nhiều nữa. Tuy nhiên, không phải vì thế mà những lực cản đối với Luật Quy hoạch mất đi. Ngược lại, nó đã khiến cho luật này không còn giữ được tinh thần ban đầu.

Bởi khi luật này được thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV hồi tháng 10/2017, thì hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm: Quy hoạch cấp quốc gia; quy hoạch vùng; quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Những quy hoạch mà luật này dự kiến loại bỏ như quy hoạch ngành, sản phẩm, xây dựng… vẫn tồn tại và tuân thủ theo các luật chuyên ngành.

Loại bỏ quy hoạch phi thị trường

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 995/QĐ-TTg giao các Bộ lập 39 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Có thể nói, việc xây dựng những quy hoạch này là cụ thể hóa một phần tinh thần của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, nếu xem xét phụ lục các quy hoạch được Thủ tướng giao cho các bộ xây dựng, dễ thấy vẫn vắng bóng quy hoạch xây dựng và quy hoạch sản phẩm.

Cũng có thể, những quy hoạch này còn chờ các luật liên quan sẽ được sửa đổi trong những kỳ họp Quốc hội tới, đặc biệt là quy hoạch xây dựng. Nhưng cũng có thể, như quy hoạch sản phẩm, sẽ không còn nữa mà tuân thủ quy luật thị trường. Cái khó đôi khi không nằm ở vấn đề tuân theo quy luật thị trường hay không, mà có lẽ nằm ở phương diện khác. Mà điều này đã được các đại biểu nói thẳng tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV rằng: “Các quy hoạch ngành, sản phẩm được lập ra nhân danh quản lý Nhà nước nhưng sự thật là mảnh đất để tạo cơ chế xin-cho, hạn chế quyền kinh doanh của dân chúng”.

Thực tế vận hành của những quy hoạch sản phẩm trước đây đã chứng minh điều đó khi có doanh nghiệp đã từng “tố” phải “chi phí” để được… vào quy hoạch. Hay việc liên tục điều chỉnh một số quy hoạch cũng là một biểu hiện của vấn nạn này. Trong khi đó, lẽ ra với các loại sản phẩm, thì thị trường mới đóng vai trò quyết định. Nhà nước, nếu có một vai trò gì thì chỉ đơn thuần là vai trò cung cấp thông tin dự báo, phân tích, đánh giá thị trường...

Tất cả những can thiệp của nhà nước về tầm nhìn hay định lượng sản phẩm cho thị trường đều có nguy cơ làm méo mó hơn là thúc đẩy cạnh tranh. Bởi thế, danh mục các quy hoạch được giao cho các bộ xây dựng lần này vắng bóng những quy hoạch phi thị trường ấy là một điểm nhấn đáng hoan nghênh.

Và đương nhiên, xây dựng lại các quy hoạch cũng chính là quy hoạch lại những quy hoạch đang “băm nát đất nước này”.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân: Nghe tới 2 từ “quy hoạch” là người dân bức xúc

Nhà, đất của người dân khi nằm trong diện bị quy hoạch là lập tức giá trị bị suy giảm, đời sống thì khó khăn. Nhà cửa, ruộng đất khi bị “dính” chữ “quy hoạch” là không thể thế chấp. Mỗi khi nghe tới 2 từ “quy hoạch” là người dân bức xúc. Quy hoạch là cần thiết nhưng quy trình để quy hoạch quá dài, đến đời con cháu họ mà vẫn bị nằm trong quy hoạch. Do đó, nên tiến hành hậu kiểm tất cả các quy hoạch trên từng khu vực để nhanh chóng thu hồi ngay những quy hoạch nào nếu nhận thấy không thể thực hiện được và giải phóng quy hoạch đó để người dân có thể đầu tư xây dựng lại.

Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh: Cụ thể hóa tầm nhìn quy hoạch

Việc lập 39 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong các lĩnh vực: Kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học sẽ đáp ứng mục tiêu quản lý nhà nước trong quy hoạch.

Mặt khác, hiện Việt Nam đang nỗ lực trong công cuộc đổi mới lần thứ 2, nhằm đưa đất nước phát triển nhanh, mạnh và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Tuy nhiên, hiện có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng trưởng đang có xu hướng chững lại, các động lực và dư địa phát triển đang thu hẹp dần. Do đó, rất cần có sự đổi mới về chính sách, thể chế, trong đó có các chính sách về quy hoạch theo hướng đồng bộ, tổng thể để tạo đòn bẩy cho tăng trưởng.

ĐẠI DƯƠNG