Lối sống hiện đại không chọn lọc?

Sông Hàn 31/08/2018 16:05

Với cái “mác” phương Tây, nhiều chương trình gameshow đang “mượn cớ” truyền bá những tư tưởng, lối sống hiện đại mà không có sự chọn lọc, trong khi người “đạo diễn” biết trước hệ lụy.

Thời gian gần đây, các gameshow hẹn hò, mai mối… mọc lên như “nấm sau mưa” trên các kênh sóng của nhiều đài truyền hình lẫn mạng trực tuyến. Tuy nhiều về số lượng, nhưng chất lượng của các chương trình lại tạo nên nhiều tranh cãi. Trong đó, chương trình Date & Kiss (hẹn hò và hôn) mới phải tạm dừng phát sóng trên kênh Youtube khi gây ra làn sóng dư luận nhiều chiều.

Chương trình Date & Kiss phải tạm dừng phát sóng trên kênh Youtube.

Có phải “phim người lớn” trá hình?

Theo dõi diễn biến Chương trình Date & Kiss, mỗi tập sẽ có 3 người chơi, gồm 1 nam - 2 nữ hoặc ngược lại. Ngay ở tập đầu tiên, gameshow này đã bị lên án mạnh mẽ bởi không khác gì những bộ “phim người lớn” trá hình.

Tập 2, còn có cảnh chàng trai vô tư ôm ấp, vuốt ve vòng ba, dùng tay kéo váy của cô gái hay cô gái còn lại hôn đến tuột cả áo khiến người xem không khỏi đỏ mặt. Thậm chí, chương trình còn cho phép người chơi sử dụng rượu nhằm tăng sự kích thích khi ở bên nhau trong phòng tối.

Riêng tập 3, có 2 chàng trai thuộc cộng đồng LGBT (thế giới thứ ba).

Ở vòng đầu tiên, người chơi chính và hai ứng viên sẽ được bịt mắt, ngồi trò chuyện với nhau. Họ có quyền ôm, hôn, sờ, chạm đối phương. Vòng thứ hai, lần lượt từng ứng viên sẽ bước vào một căn phòng tối với người chơi chính, cùng nằm trên một chiếc sofa, tự do trò chuyện, hôn hít và sờ soạng cơ thể nhau. Ứng viên còn lại sẽ theo dõi những cảnh này thông qua một màn hình từ phòng tối. Vòng cuối cùng, người chơi chính sẽ đưa ra quyết định hẹn hò cùng ai.

Sau khi phát sóng 3 tập, làn sóng phẫn nộ trong dư luận càng lúc càng dâng cao. Đơn giản một điều, không ai có thể chấp nhận được những trò thô thiển đến bậy bạ của gameshow này.

“Mác” phương Tây?

Thực tế, nếu như các chương trình phát sóng trên truyền hình còn có sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng, thì trên mạng trực tuyến lại dường như rất khó để kiểm duyệt. Lợi dụng kẽ hở này mà nhiều đơn vị sản xuất đã tung ra nhiều gameshow hết sức lố lăng, phản cảm, thô tục.

Đáng lo ngại ở chỗ, Date & Kiss không phải dạng “hiếm”, mà nó chỉ góp phần tô thêm “bức tranh văn hóa” mang đậm màu sắc lối sống phương Tây đang ngày một phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Cách đây không lâu, gameshow “Dare Pong” phát trên Youtube đã bị vô số người xem lên án “không khác gì phim cấp 3” khi người chơi thể hiện sự bạo dạn quá đà trước ống kính.

Thậm chí, không phải là gameshow truyền hình, một bộ phận giới trẻ còn thích “diễn” ngoài đời. Dư luận đã sôi sục sau “sự kiện” tại quán trà sữa Tocotoco Thái Nguyên khi hai người trẻ đã diễn cảnh “giường chiếu” ngay nơi công cộng và Clip đó được quay lại tung lên mạng. Hai nhân vật chính trong Clip đã bị ném đá tơi tả.

Hoặc, khi những trò chơi dung tục cũng đã xuất hiện cả ở những hoạt động chính thức ở môi trường giáo dục khi gần đây nhất, Trường THPT Thực hành Sư phạm – Đại học Cần Thơ tổ chức trò chơi “chuyền thẻ qua mặt” ở đó người chơi cả nam cả nữ liên tục nằm đè lên nhau..v..v.

Chúng ta phải thấy rằng, những vụ việc như trên không chỉ còn dừng lại ở những câu chuyện đơn lẻ, mà nó đang biến thành sự hiện diện về bản chất của cả một lĩnh vực - Văn hóa.

Trở lại với vấn đề của Date & Kiss, có thể thấy, không chỉ “giới hạn” là hôn như trong tên gọi chương trình, những người tham gia còn nhiều cử chỉ thân mật mà chỉ những người đã yêu nhau mới dành cho nhau, nếu không đó chỉ có thể là những hành động mà người ta gặp ở quán bia ôm.

Nói thẳng ra, ngày nay trên truyền hình, các cô gái, chàng trai đã “can đảm” hơn nhiều khi họ lần lượt ôm hôn, vuốt ve thử những đối tác khác nhau chỉ để thử cảm giác trước khi chọn lựa. Và tất cả đều được công khai trên sóng truyền hình.

Thật khó có thể gọi là cuộc hẹn hò của những người tìm kiếm tình yêu khi trong lần gặp đầu tiên họ chỉ hỏi nhau về việc đã ngủ với người yêu cũ hay chưa, đến nỗi còn hồn nhiên khẳng định tất nhiên là ngủ với nhau ngay cả khi chưa phải là người yêu, mà chỉ là những mối quan hệ mới bắt đầu.

Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Huy Toàn - Trưởng phòng Thanh tra báo chí và Thông tin trên mạng (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: “Chương trình này đi ngược lại với đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa của Việt Nam và khi nó được phát tán trên mạng xã hội sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống xã hội, đặc biệt là tác động không nhỏ đến tư tưởng, tình cảm và suy nghĩ của lớp trẻ hiện nay”.

Dù biết, đứng trên góc độ quản lý văn hóa, xu thế hội nhập là không thể tránh khỏi. Và ai cũng hiểu, hội nhập thế giới mang  lại lợi ích cho chúng ta về mặt kinh tế, nhưng lại gây tổn hại  nhất định về lối sống văn hóa.

Khi những giá trị đạo đức, lối sống truyền thống chưa kịp thích ứng với cái mới, những giá trị mới của cuộc sống chưa kịp hình thành dẫn hướng đời sống văn hoá, thì những tác động của văn hoá thế giới đã nhanh chóng làm nhiều người trong chúng ta đón nhận một cách không có giới hạn.

Thế mới  nói, với cái “mác” phương Tây, nhiều chương trình gameshow đang “mượn cớ” truyền bá những tư tưởng, lối sống hiện đại mà không có sự chọn lọc, trong khi người “đạo diễn” biết trước hệ lụy.

Thật đáng lo ngại!

Sông Hàn