Lá phiếu tín nhiệm

Trương Khắc Trà 24/10/2018 06:17

Lá phiếu của đại biểu Quốc hội dành cho các chức danh dù kết quả ra sao cũng tạo ra được những áp lực nhất định lên các bộ ngành cũng như trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thể hiện kì vọng của nhân dân vào các vấn đề bức xúc trong xã hội. 

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh trong kỳ họp thứ 6

Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm với 48 chức danh trong kỳ họp thứ 6

Dù kết quả có ra sao, thì lấy phiếu tín nhiệm đã tạo ra được những áp lực nhất định lên các bộ ngành cũng như trách nhiệm, nhiệm vụ của người đứng đầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội nói gì trước phiên bỏ phiếu tín nhiệm?

    Đại biểu Quốc hội nói gì trước phiên bỏ phiếu tín nhiệm?

    05:00, 24/10/2018

  • Lấy phiếu tín nhiệm:

    Lấy phiếu tín nhiệm: "Thước đo" hiệu quả hoạt động của các vị Bộ trưởng?

    05:05, 23/10/2018

Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ có những tác dụng, kết quả nhất định. Người được tín nhiệm cao sẽ vẫn phải cố gắng để giữ mức độ tín nhiệm hoặc cải thiện để cao hơn nữa. Những người có mức độ tín nhiệm thấp thì bắt buộc phải cải thiện, cố gắng để lấy lại sự tín nhiệm cho bản thân.

Nhưng cần có thêm những bước đi tiếp theo để đánh giá những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, cũng như công khai lý do tín nhiệm thấp của lãnh đạo đầu ngành.

Trả lời báo chí, tiến sĩ Huỳnh Thế Du (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam) đưa ra một cái nhìn rộng, đa chiều hơn: “Trong thời gian qua, 2 lĩnh vực giáo dục và giao thông gặp rất nhiều vấn đề. Có thể không do những người đầu ngành mà do những vấn đề cố hữu đã tồn tại từ lâu”, ông Du nói. Theo ông Du, những người bị tín nhiệm thấp không hẳn là do các vấn đề phát sinh từ các quyết định của họ. Ông đúc kết: “Khi nhìn trên phương diện xã hội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phản ánh nhiều vấn đề. Có những vị trí rất nóng, có những ghế bộ trưởng đã rất nóng nhưng người đầu ngành đã làm những vấn đề nóng đó tệ hơn”.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng chỉ ra những bất cập còn tồn tại với cách chế tài các chức danh bị tín nhiệm thấp, như quy định ai nhận được 2/3 phiếu tín nhiệm thấp của tổng số đại biểu thì mới bị Quốc hội đưa ra bỏ phiếu bất tín nhiệm.

Tiến sĩ Huỳnh Thế Du đề xuất: “Chúng ta có thể để dư luận người dân đánh giá bằng cách tạo một cuộc thăm dò ý kiến người dân, hoặc để chính người dân đánh giá mức độ tín nhiệm. Thêm nữa, chúng ta có thể công khai lý do tín nhiệm thấp của một lãnh đạo đầu ngành nào đó. Hoặc chúng ta có thể so sánh độ tín nhiệm giữa các nhiệm kỳ lãnh đạo của một ngành, từ đó nhìn ra được sự cải thiện của từng ngành, từng người”.

Cùng có đề xuất để các đại biểu Quốc hội giải thích rõ lý do tín nhiệm thấp người đứng đầu ngành và có cơ chế để những bộ trưởng có số phiếu tín nhiệm thấp, chúng ta có thể cho phép họ “nhìn lại” xem đâu là vấn đề của lĩnh vực mình phụ trách, đâu là những điểm không được đánh giá thoả đáng.

Chia sẻ với báo chí, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, khi chọn mức tín nhiệm với một người phải đối chiếu lại sự hoàn thành trách nhiệm đối với lĩnh vực được giao, phụ trách để xem biện pháp chỉ đạo quản lý có đạt yêu cầu không, đem lại chuyển biến gì, mặt nào cải thiện hơn.

Còn đại biểu QH Vũ Trọng Kim thì phân tích: việc đánh giá người được lấy phiếu tín nhiệm trước tiên phải căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn được Nhà nước giao để đánh giá làm tốt hay không, có vi phạm gì. Bên cạnh đó là thực hiện vai trò phục vụ nhân dân thế nào.

Cái đúng thật sự trong thực tế có sức sống vững vàng nhất, nó không phục thuộc vào ý chí chủ quan của bất cứ ai, dù muốn hay không thì nó vẫn vậy. Cho nên, cơ sở để lá phiếu bầu có xác xuất đúng cao rất cần cơ chế “tự chịu trách nhiệm” với ngành, lĩnh vực mình phụ trách.

Chúng ta chỉ có 3 mức tín nhiệm, nhưng có đến hàng chục lĩnh vực với tính chất, phương pháp vận hành khác nhau. Ngành Giáo dục đương nhiên không giống ngành Giao thông; ngành Tài chính khác xa với Văn hóa, xã hội… Vì vậy, điều quan trọng là những lá phiếu tín nhiệm phải cho nhân dân, cử tri biết được vị tư lệnh ngành ấy vất vả ra sao, nỗ lực thế nào!

Trương Khắc Trà