Hiệp hội nhà vệ sinh và độ mở của tư duy

Vũ Đức Tâm 11/11/2018 17:26

Mấy ngày qua, dư luận ồn ào quanh chuyện ra đời của Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam. Tại sao vậy?

Nhà

Nhà vệ sinh 5 sao ở thành phố Hạ Long. Ảnh: Lê Cường

Chuyện nhỏ mà không nhỏ

Lâu nay chúng ta vẫn nghe nói người Việt Nam chưa coi trọng vấn đề nhà vệ sinh, coi đây là chuyện tế nhị rồi lờ đi. Ở nông thôn bà con xây cái nhà ở to đùng nhưng “quên” bố trí nhà vệ sinh hiện đại. Nhiều tụ điểm công cộng, ngay cả một số “điểm đến” du lịch cũng chưa coi trọng khu vệ sinh. Du khách đến đó thường buộc phải lựa chọn phương án “tự nhiên” để giải quyết “nỗi buồn” của mình.

Ngay cả ở những thành phố lớn, cảnh người ta tùy tiện phóng uế ra gốc cây, chân cột điện cũng không phải hiếm gặp. Đó là hình ảnh rất phản cảm đối với du khách. Tuy đã có quy định chế tài xử phạt nhưng hầu như cảnh sát chưa hề xử phạt bao giờ. Nhiều nơi khác tuy bố trí nhà vệ sinh nhưng du khách thấy rùng mình hãi hùng sau khi buộc phải sử dụng.

Từ cuối năm 2017, thành phố Hạ Long đã xúc tiến xây dựng 5 nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn 5 sao dể phục vụ khách du lịch và người dân thành phố. 5 nhà vệ sinh đạt chuẩn 5 sao được xây dựng có diện tích từ 40 đến 130m2, nội thất hiện đại, đảm bảo tiêu chuẩn từ 4-5 sao dựa trên quy mô và thiết kế cơ sở đã được UBND TP Hạ Long phê duyệt. Đây là nhà vệ sinh có kiến trúc đẹp, bố trí đầy đủ các thiết bị vệ sinh phục vụ nhu cầu của du khách và nhân dân, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tôi nhớ cách đây mấy năm, thành phố Đà Nẵng phát động phong trào các cửa hàng mặt đường treo lên trước nhà cái biển COMFORT AS HOME (thoải mái như ở nhà). Được biết, Đà Nẵng học theo mô hình này của một số nước châu Âu. Rõ ràng, đấy là việc làm rất giàu tính nhân văn. Thông qua việc đáp ứng một nhu cầu thiết yếu, “tế nhị” của con người, thành phố và người dân Đà Nẵng muốn thể hiện tình cảm thân thiện, cởi mở đối với du khách xa gần.

Biểu tượng COMFORT AS HOME của TP Đà Nẵng

Biểu tượng COMFORT AS HOME của TP Đà Nẵng

Mới đây nhất là chuyện tỉ phú Bill Gates, một nhà công nghệ có tâm với nhân loại đã giới thiệu mô hình nhà vệ sinh công nghệ cao không cần dùng nước và bể phốt mà dùng hoá chất để xử lý chất thải của con người thành phân bón. Ông làm việc đó không đơn thuần kiếm tìm lợi nhuận mà muốn góp sức giải quyết vấn nạn vệ sinh của con người.

Không nghề nào thấp kém 

Nhiều người phản đối việc thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam xuất phát từ tâm lý coi thường công việc nặng nhọc này. Cũng có thể họ đây là việc hài hước, không cần thiết trong khi đất nước còn biết bao việc tồn tại ngổn ngang chưa được quan tâm giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

  • Hơn 3.000 tình nguyện viên tham gia “Ngày nhà vệ sinh Thế giới”

    Hơn 3.000 tình nguyện viên tham gia “Ngày nhà vệ sinh Thế giới”

    22:22, 19/11/2016

  • Đà Nẵng nhân rộng dự án Nhà vệ sinh cộng đồng

    13:52, 31/10/2017

  • Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn: Đi chữa bệnh có thể bị nhiễm thêm bệnh?

    05:45, 21/05/2018

  • Nha Trang đầu tư 3 tỷ đồng xây nhà vệ sinh ngầm

    00:00, 01/10/2014

Trước hết hãy nghe người trong cuộc nói gì? Ông Lê Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam cho biết, qua khảo sát thực tế tại các nhà vệ sinh công cộng cũng như các cơ quan, tổ chức trên cả nước gần như chưa đạt chuẩn. Do đó, Hiệp hội nhà vệ sinh Việt Nam thành lập sẽ tiến hành các hoạt động xây dựng, tuyên truyền để nâng cao nhận thức về việc giữ gìn vệ sinh công cộng cũng như việc sử dụng nhà vệ sinh cho mọi tầng lớp nhân dân, đảm bảo sức khỏe cho con người. Tiếp đến sẽ xây dựng hệ thống nhà vệ sinh công cộng hiện đại, phù hợp cho từng khu vực và từng vùng miền tạo bước đột phá về văn minh, hiện đại, đem lại lợi ích cho cộng đồng.

Như vậy đây cũng chính là nhằm giải quyết một vấn đề bức xúc, ngổn ngang rất đáng quan tâm trong xã hội, là công việc tốt đẹp và thiết thực đối với đời sống nhân dân lúc này. Những người đi tiên phong, chuyên trách, chuyên nghiệp hóa trong việc đó cần được cổ súy. Việc họ muốn có một tổ chức xã hội nghề nghiệp là quyền của họ, được pháp luật bảo hộ thì chúng ta cũng nên tôn trọng.

Lần đầu, khi thoạt nghe tên Hội hậu môn và trực tràng tôi cũng thấy “ngường ngượng”. Nhưng ngẫm kỹ ra thì thấy rất có lý, các bác sĩ chuyên khoa lĩnh vực này cũng rất cần có một tổ chức để chia sẻ kinh nghiệp nghề nghiệp, phục vụ người bệnh tốt hơn.

Trong xã hội không có nghề nào thấp kém hay không quan trọng. Những người cùng hành một nghề thành lập ra tổ chức nghề nghiệp của mình là việc làm chính đáng. Vấn đề là họ phải tự lo kinh phí, không lấy tiền từ ngân sách nhà nước, không xin biên chế nhà nước tạo gánh nặng lên vai nhà nước và nhân dân.

Vũ Đức Tâm