“Khủng hoảng dâu tây” và bài học quản trị nhân sự
Cả đất nước Australia hoang mang vì “khủng hoảng Dâu tây” - một loại trái cây đặc sản của nước này. Mà bắt nguồn từ khủng hoảng này là do tư thù của một công nhân đang làm việc cho một nông trại.
Những chiếc kim nhọn hoắt được phát hiện trong trái Dâu tây ở Queesland, nỗi lo sợ lan ra nhiều bang. Một số nước như New Zealand ban bố lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng này... Thiệt hại không những về mặt kinh tế mà còn hình ảnh thương hiệu và xa hơn còn để lại bài học đắt đỏ về quản trị nhân sự.
Rất không vui, thủ phạm “khủng bố nông sản” là một người có cái tên…rất Việt Nam (My Ut Trinh) vừa bị cảnh sát bang Queensland tóm cổ hôm 11/11 vừa rồi. Theo luật pháp sở tại thủ phạm có thể bị khởi tố một loạt 7 tội danh về phá hoại hàng hóa, đối mặt với bản án 10 năm tù. Hành động phá hoại của bà xuất phát từ nguyên nhân bất đồng với ông chủ, bà từng “tâm sự” với đồng nghiệp rằng muốn “hủy hoại và làm lụn bại công việc kinh doanh ở đây”.
Rõ ràng nguyên nhân đầu tiên không phải là chiêu trò cạnh tranh “bẩn” của đối thủ trên thương trường - điều rất khó xảy ra ở nơi rất văn minh như Australia. Hậu quả bắt đầu từ mâu thuẫn nội bộ, tức là khi mối quan hệ giữa “sếp” và nhân viên “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”.
Bài học đầu tiên với những người làm chủ là phải nắm bắt tâm lý của nhân viên, đây không phải là kỹ năng đơn giản nhưng là tối quan trọng để “cảm nhận” được nhân viên nghĩ gì về cách điều hành của mình. Bởi có nhiều thứ - không phải khi nào đôi bên cũng có thể trao đổi thẳng thắn trong các cuộc họp.
Khi nắm bắt được mâu thuẫn cũng là lúc kỹ năng năng đàm phán, thuyết phục người lao động cần phát huy tác dụng để giải quyết mâu thuẫn. Khâu này có sức mạnh cảm hóa con người, thay đổi những người có dấu hiệu bất hợp tác hoặc níu giữ những nhân sự tốt có ý định nhảy việc. Mâu thuẫn trong một tổ chức là không thể tránh khỏi, chỉ có điều mâu thuẫn được thể hiện dưới hình thức nào mà thôi. Vì vậy, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn của “người đứng đầu” quan trọng không kém. Nhưng không phải mâu thuẫn nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, nếu càng để lâu càng nguy hại cho đại cục.
Cho nên, cần có kỹ năng tiếp theo là… sa thải nhân viên. Là khi lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể xung đột dữ dội, đến mức người lao động không còn muốn đóng góp điều tốt đẹp cho tổ chức, cụ thể là hành động phá hoại, tung tin thất thiệt hoặc tiết lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ vì lợi ích kinh tế hoặc tư thù cá nhân. Để có thể thấu hiểu nhân viên, phẩm chất đầu tiên của người làm công tác nhân sự là sự tận tụy, đa phần là có khả năng “lo cho người khác” từ những việc cụ thể như lương bổng, phúc lợi đến huấn luyện đào tạo cũng như tổ chức bộ máy…
Hậu quả của “khủng hoảng Dâu tây” ở Australia xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân nhưng không thể kiểm soát dẫn đến lan rộng ra toàn ngành. Khi hàng trăm vụ phát hiện kim khâu trong dâu tây được ghi nhận trên khắp Australia, giới chức tin rằng có nhiều nghi phạm đã bắt chước hành vi của thủ phạm để phá hoại ngành công nghiệp trị giá hàng triệu đôla này.
Thành bại của mọi tổ chức đều gắn với công tác quản trị nhân sự, vì lý do rất đơn giản: “con người là trung tâm của mọi vấn đề”.