Đà Nẵng: "Chính sách đặc thù" cần con người đặc biệt
Đà Nẵng đang có cơ hội để vươn ra tầm châu lục, nhưng trước hết phải giải quyết được nhiều vấn đề tồn đọng.
Ngay sau khi Diễn đàn kinh tế thế giới thường niên tại Davos vừa kết thúc, Việt Nam đã chính thức khởi động “Make in Viet Nam 4.0”
Ở trong nước, mới đây, Trung ương đã ban hành Nghị quyết xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 để tạo ra một thành phố có đẳng cấp châu lục.
Trở thành trung tâm của Đông Nam Á, trung tâm khởi nghiệp, công nghệ cao, đô thị thông minh, du lịch, sinh thái và là trung tâm văn hóa, giáo dục, y tế… là một trong những cốt lõi của Nghị quyết này.
Các chỉ tiêu cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030: Tốc độ tăng bình quân GRDP trên 12%/năm; dịch vụ 12,5 - 13,5%/năm; công nghiệp 11,5 - 12,5%/năm; nông nghiệp 4 - 5%/năm…
Các lĩnh vực công nghệ cao đóng góp hơn 10% tổng sản phẩm trên địa bàn của thành phố. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 2% của cả nước. Thu ngân sách trên địa bàn tăng trên 15%/năm...
Đây trước hết là một “bản vẽ thiết kế” hình hài của Đà Nẵng cho 10 và 25 năm sau, cũng là bước ngoặt cần có để phù hợp với xu thế đương đại.
Và sau đó, tính tiên phong của Nghị quyết là phù hợp với xu thế ngày càng trở nên “thông minh tiện ích” - 4.0 của thế giới, hẳn nhiên Đà Nẵng đủ tiềm lực để đón nhận xu thế này.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Chính trị cho rằng Đà Nẵng cần có chính sách “ưu tiên nguồn lực”.
Ví dụ: Đà Nẵng được thực hiện phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương…
Có thể bạn quan tâm
Cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM: Toàn TP đang trong “tâm thế” phấn khởi
00:41, 25/11/2017
Tạo cơ chế chính sách đặc thù cho TP HCM: Thời điểm đã “chín muồi”!
09:53, 20/11/2017
Chủ trương thực hiện thí điểm mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng; xây dựng và thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với yêu cầu phát triển của Thành phố và quy định của pháp luật.
Như vậy, có thể coi Đà Nẵng đã có chính sách đặc thù, con đường cơ chế đã mở ra, điều này có thể ví như Đà Nẵng được trao “thượng phương bảo kiếm”. Cơ chế đặc thù sẽ giúp thành phố làm nhanh hơn một số việc kiến tạo phát triển và quản trị nhà nước.
Với tiềm lực vốn có Đà Nẵng hoàn toàn có thể tận dụng cơ chế đặc thù để trở thành một trong những đô thị tầm cỡ châu lục.
Cái cần nhất, và thường là nguyên nhân bị đỗ lỗi nhiều nhất - “cơ chế”, bây giờ được đả thông. Vấn đề còn lại, cũng là câu hỏi quan trọng nhất mọi thời đại: Ai sẽ thực hiện chính sách đặc thù này?
Một chính sách đặc thù - để được gọi đúng với hình thức của nó, nói giản đơn và tận cùng - phải làm khác đi, làm khác không có nghĩa là làm trái, mà làm cái thiên hạ chưa làm (hoặc chưa dám làm), hành động mang tầm nhìn xa hơn.
Vậy nên, phải sử dụng một vài mô hình thí điểm, phân cấp, phân quyền, Đà Nẵng sẽ được tự quyết nhiều hơn, được giao quyền lớn hơn, đó là cái thuận lợi.
Song, “làm khác đi” và “làm cái thiên hạ chưa làm” luôn là thách thức rất lớn, nếu không muốn nói phải thường trực đối mặt với… thất bại.
Vậy nên, để vận hành một chính sách đặc thù, cần có những con người đặc biệt. Chính là tài năng, đức độ, bản lĩnh.
Cũng giống như khi người ta lập ra một phòng thí nghiệm để làm sáng tỏ một vấn đề khoa học chưa có lời giải. Ở đó phải có những con người thật sự đam mê, dám làm dám chịu nhưng phải có chất xám, làm việc không vì mưu cầu cá nhân.
Trực tiếp hơn, để trở thành thành phố thông minh, tiền là chưa đủ, vì tiền có thể mua được hạ tầng nhưng không mua được sự sáng tạo và bản sắc của thành phố “đáng sống”.
Nhưng tiền không tự nhiên có, cũng không thể mãi đi vay, mà nó phải được tạo ra ngày một nhiều từ những chính sách thông minh - do con người thiết kế ra.
Đà Nẵng phải giải bài toán nhân sự, giá như hàng trăm nhân tài được ươm mầm từ chục năm trước không rục rịch bỏ đi; giá như không có chuyện “thừa lãnh đạo” ở nhiều cơ quan…nhưng đó là chuyện quá khứ.
Được phân cấp phân quyền nhiều hơn, Đà Nẵng phải kích hoạt mạnh hơn hệ thống kiểm soát quyền lực - nếu không muốn quyền lực bị sử dụng bừa bãi, bị thâu tóm dẫn đến “lợi ích nhóm” dữ dội hơn.
Nhưng điều cốt lõi cuối cùng là ở chỗ, làm sao để người dân thấy được lợi ích từ chính sách đặc thù.
Hiện nay, không những Đà Nẵng, mà nhiều nơi đề cập đến khái niệm “thành phố thông minh”. Song, đây vẫn còn là ý niệm khá xa lạ với phần lớn người dân.
Nói như vậy để thấy rằng, muốn tạo ra thành phố thông minh không chỉ là đầu tư hạ tầng công nghệ phục vụ cho người dân mà cần quan tâm thêm khả năng người dân tương tác qua công nghệ ở mức nào.
TP HCM là một trong những nơi sớm có chính sách đặc thù, nhưng hạ tầng giao thông làm “tắc nghẽn” chính sách. Đà Nẵng chưa phải “nhức đầu” vì hạ tầng nhưng không phải không có dấu hiệu quá tải do bất cập trong quy hoạch.
Cho dù chính sách tốt mấy chăng nữa nhưng không thể không có sự đồng hành của doanh nghiệp. Việc kêu gọi doanh nghiệp đồng hành tham gia là giải pháp phù hợp nhất hiện nay.
Chỉ khi doanh nghiệp phát triển, người lao động/người dân mới có việc làm, thu nhập và trở nên văn minh. Doanh nghiệp chỉ hoạt động tốt trong môi trường có dịch vụ công hỗ trợ, giao thông thuận lợi vận chuyển hàng hóa, chính quyền thông minh.
“Hãy nói không với tiêu cực” có lẽ là khẩu hiệu cần thiết với Đà Nẵng sau những gì đã xảy ra vài năm nay. Tiêu cực sẽ phá hỏng mọi thứ, biến mọi nỗ lực thành vô nghĩa, vô hiệu hóa mọi chính sách tốt đẹp.