Tiệc tất niên và những điều đáng ngẫm
Vài năm trở lại đây, phong trào tất niên ngày càng rầm rộ. Nhà nhà tất niên, người người tất niên. Có gì cần suy ngẫm sau câu chuyện này?
Gần đây, trên mạng xôn xao về một câu chuyện người vợ gửi tâm thư cho bạn chồng về việc ép chồng mình uống rượu say. Tâm thư đó được chia sẻ rộng rãi trên khắp các diễn đàn. Đó là một phần hệ quả của tiệc “tất niên”.
Tâm thư được rất nhiều những người đang làm vợ, làm mẹ hưởng ứng. Mặc dù ngôn từ dùng rất “mạnh” nhưng vẫn được sự ủng hộ của mọi người. Bởi lẽ đó là tiếng lòng muốn được cất lên của họ bị kìm nén từ rất lâu rồi.
Rồi thi thoảng lại thấy các báo đưa tin về một vụ án mạng tại các bàn tiệc, hay một vụ tai nạn thương tâm do uống rượu say sau buổi tiệc tất niên. Những ai oán và tiếc nuối lại một lần nữa như hồi chuông gióng lên.
Vào những ngày này khi ra đường rất dễ để bắt gặp hình ảnh rạp dựng tràn ra vỉa hè, loa đài bật xập xình, tiếng hát karaoke chát chúa.... Dường như không gian chỉ đó là để dành cho họ. Phong trào này đang lan toả như nấm sau mưa tại các làng quê, tổ dân phố trong vài năm trở lại đây. Họ tặc lưỡi cho rằng "năm có một lần", họ thoả hiệp cho những vi phạm về trật tự và lấn chiếm vỉa hè, họ thoả sức nhậu nhẹt với nhau... âu cũng là một phần "thói quen" và "văn hoá nhậu" của người Việt.
Tất niên là một nghi thức để tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị bước sang năm mới. Đây là phong tục tập quán lâu đời và mang nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
Vào ngày này, mọi người thường quây quần bên nhau, tổ chức tiệc mừng, văn nghệ, để tổng kết, nhìn lại một năm đã qua, cùng chia tay năm cũ, đón giao thừa và mừng năm mới. Họ tận hưởng bầu không khí ấm cúm và tràn ngập niềm vui bên cạnh các thành viên trong gia đình sau một năm tất bật học tập, làm việc và chạy đua với cuộc sống.
Nhìn vào mức độ dày đặc của các tiệc tất niên đang diễn ra hiện nay thì thấy một thực tế rõ ràng là kinh tế đang ngày càng “khởi sắc”. Ai cũng hân hoan và chuẩn bị một tất niên chu đáo. Chính những tiệc tất niên này làm cho tình cảm hàng xóm được xích lại gần hơn, tình cảm của lãnh đạo với nhân viên được cởi mở hơn.
Anh L.H.D - Giám đốc Công ty vận tải HNP đã chia sẻ: “Năm nay công việc của công ty tiến triển hơn. Mọi năm chúng tôi chỉ làm một bàn nhỏ để lãnh đạo chủ chốt cùng điểm lại năm qua và đề ra phương hướng cho năm tiếp theo. Nhưng năm nay phải có tiệc tất niên to hơn một chút để động viên khích lệ anh em phấn đấu năm sau hoàn thành xuất sắc mục tiêu đề ra”.
Anh Đ.K.Đ - Giám đốc Cty TNHH DTH cho biết: “Chưa năm nào tôi được mời đi dự tất niên nhiều như năm nay, đi đến đâu không khí cũng rất phấn khởi và hân hoan”.
Theo ý nghĩa tích cực của việc tất niên thì ta thấy đây là một tín hiệu đáng mừng, báo hiệu sự khởi sắc kinh tế tốt đẹp hơn trong năm 2019. Tuy nhiên, vẫn có những biến tướng từ tiệc tất niên như đánh bạc, dùng chất kích thích và đặc biệt là ép nhau uống rượu. Họ “mượn cớ” một năm mới có một ngày buông hết mệt mỏi đều ngồi bên nhau. Họ ép nhau uống đến khi nào say mềm mới thôi. Khi ấy dường như tất cả đều quên đi rằng, sau bữa tiệc còn có gia đình, còn có xã hội, còn có công việc.
Có rất nhiều người bữa tiệc tất niên cũng là bữa tiệc cuối cùng của cuộc đời một con người, để lại bao nước mắt, sự dằn vặt cho người ở lại. Có rất nhiều người vô tội mưu sinh ngoài kia không có tất niên nhưng lại là nạn nhân của những người say sau tiệc tàn. Điều đó có đáng ngẫm?
Không biết bao nhiêu vỉa hè đã được trưng dụng, không biết bao nhiêu bia rượu đã được tiêu thụ (trong đó có cả rượu bia giả), không biết bao nhiêu cảnh tắc đường vì những tiệc tất niên này, không biết bao nhiêu diện tích để xe được nhà hàng “chiếm dụng” cho các bữa tiệc tất niên? Đó chính là sự thật chúng ta đang “phải chấp nhận” vì... xu thế, thói quen.
Mỗi một tiệc tất niên là một “tiếng vỗ tay”, hân hoan đấy, vui mừng đấy nhưng hãy để tiếng vỗ tay đó được trọn vẹn. Đừng để sau đó là những giọt nước mắt hối hận. Hãy để mỗi một tiệc tất niên là một tín hiệu đáng mừng cho một nền kinh tế phát triển của năm tiếp theo.
Xin mỗi cá nhân khi tham gia tiệc hãy giữ mình và đảm bảo an toàn cho xã hội.