Khi “thế và lực” của Việt Nam đang lên!

Sông Hàn 20/02/2019 11:00

Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 được tổ chức tại Việt Nam, phần nào minh chứng “thế và lực” của chúng ta đã khác, vận nước đang lên, đời sống kinh tế-chính trị ngày càng được cải thiện.

Việc Mỹ và Triều Tiên đang gấp rút hoàn thiện kế hoạch cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội – Việt Nam vào cuối tháng 2 giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận, truyền thông trong nước cũng như quốc tế.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) gặp Kim Yong Chol, cựu giám đốc tình báo của Triều Tiên ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 18/1/2019, để bàn về hội nghị thượng đỉnh lần 2. Ảnh: AP.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (phải) gặp Kim Yong Chol, cựu giám đốc tình báo của Triều Tiên ở thủ đô Washington, Mỹ ngày 18/1/2019, để bàn về hội nghị thượng đỉnh lần 2. Ảnh: AP.

Không phải ngẫu nhiên Tổng thống Mỹ  Donald Trump đã quyết định Hà Nội sẽ là nơi sẽ diễn ra sự kiện quan trọng này. Trước sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2 được diễn ra, thì Thái Lan và Hawaii là những điểm đến được đề xuất.

Nói về cơ hội để tổ chức sự kiện chính trị quan trọng này, thì Hawaii đã dễ dàng bị loại bỏ không chỉ vì quá xa. Mà thực tại, mối quan hệ Mỹ và Triều Tiên chưa bình thường hóa quan hệ, nên đây chưa phải địa điểm thích hợp để 2 nhà lãnh đạo đối lập có thể gặp mặt. Còn giữa Việt Nam và Thái Lan?

Thứ nhất, Việt Nam là nước kế tiếp sẽ là Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020, sau Thái Lan. Quan trọng hơn, Việt Nam đang tham gia ứng cử vị trí Ủy Viên Không Thường Trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc vào năm 2021. Đây cũng là một dấu mốc quan trọng để Việt Nam được nghiêng về tỉ lệ lựa chọn nhiều hơn.

Thứ hai, mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng tốt đẹp hơn.

Trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hòa bình.” Lời nói của Người trở thành hiện thực! Kể từ năm 1995, khi Việt – Mỹ bình thường hóa quan hệ, mở đường cho những chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ tới Việt Nam về sau.

Sự kiện trọng đại này làm người viết nhớ đến lời của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi ông từng nói: “Mỹ và Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ rằng những quốc gia từng thù hận có thể trở thành đối tác, thậm chí trong thế giới phức tạp mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay… Đây cũng là một bài học đầy ý nghĩa và đúng lúc cho cả thế giới”.

Có thể bạn quan tâm

  • Hạt nhân: Tâm điểm của Thượng đỉnh Mỹ - Triều

    11:00, 15/02/2019

  • Điều gì quyết định Thượng đỉnh Mỹ - Triều?

    11:00, 13/02/2019

  • Thủ tướng: Tổ chức tốt cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội

    20:16, 11/02/2019

  • Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai: Con đường không dễ đi

    06:00, 11/02/2019

  • Mỹ - Triều: “68 năm mâu thuẫn và 48h hóa giải”

    06:00, 10/02/2019

  • Việt Nam sẵn sàng phối hợp để Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thành công

    20:17, 06/02/2019

  • Mỹ - Triều và những "không gian ngoại giao" tinh tế

    11:20, 12/01/2019

  • Mối quan hệ Mỹ - Triều - Trung: "Kiềng ba chân" không vững?

    11:00, 09/01/2019

  • Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Lựa chọn nào cho Bình Nhưỡng?

    20:18, 06/01/2019

  • Ngoại giao Mỹ - Triều "tan băng" và “người giữ nhiệt” Hàn Quốc

    15:00, 03/01/2019

  • Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ diễn ra khi nào?

    07:58, 21/10/2018

  • Hàn Quốc có thực hiện tốt vai trò trung gian giữa Mỹ - Triều?

    16:40, 14/09/2018

Thứ ba, mối quan hệ “anh – em” với Triều Tiên.

Việt Nam – Triều Tiên đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950, 2 nước trong những năm qua đã có sự trợ giúp lẫn nhau trải qua thăng trầm trong cuộc chiến tranh lạnh. Ngay cả khi Liên Hiệp Quốc ra lệnh cấm vận, mối quan hệ Triều Tiên – Trung Quốc cũng trở nên xấu đi, thì Hà Nội lại đồng ý để cảng Hải Phòng đóng vai trò là cảng xuất khẩu hàng hóa cho Bắc Triều Tiên.

“Kim Jong-un sẽ quan tâm đến việc tận mắt chứng kiến câu chuyện Việt Nam, vốn có thể là nguồn cảm hứng tốt và là mô hình để ông nghĩ về con đường phía trước cho Triều Tiên” – một Chuyên gia quan hệ quốc tế nói.

Thứ tư, Việt Nam là địa điểm lý tưởng của hòa bình.

Có lẽ hiếm ở một nơi nào trên thế giới như Việt Nam, mà những “yếu nhân” của thế giới lại có thể thoải mái đóng vai trò như một người dân để đi dạo, chạy bộ, nói chuyện với người dân,… mà vẫn an toàn, không gặp phải bất kỳ sự phiền toái nào. Nên trong con mắt của các nhà lãnh đạo trên thế giới, Việt Nam có thể được xem là quốc gia an toàn, bình yên.

Ví như: Tham dự tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào 11/2017, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã gây ấn tượng với phong thái thân thiện, lịch lãm và bình dị đến lạ thường. Khi nhà lãnh đạo Canada đã dùng cà phê và ngắm nghía phố phường TP Hồ Chí Minh ở một quán cafe vỉa hè trên đường Lê Thánh Tôn. Thủ tướng Canada cũng gây ấn tượng trong trang phục thể thao màu xanh biển, chạy bộ cùng một số vệ sĩ ở đường Hoàng Sa.

Cũng trong tuần lễ cao cấp APEC, Thủ tưởng Úc Malcom Turnbull vô tư cùng đầu bếp Luke Nguyễn đi bộ và ăn sáng bánh mì lề đường ở Đà Nẵng. Nét văn hóa ẩm thực phong phú, những món ăn đường phố ngon miệng, đậm đà bản sắc đủ để cho Thủ tướng Malcom Turnbull phải “đi tìm” và “tự tưởng” cho mình cơ hội khám phá Việt Nam.

Hoặc không thể không nói đến chuyến thăm Việt Nam mới đây của vị lãnh đạo tiền nhiệm là Barack Obama. Bởi trong chuyến thăm này ông đã bất ngờ với sự thân thiện, gần gũi của nhân dân Việt Nam, thậm chí vị cựu Tổng thống Mỹ còn đi dạo phố, ăn bún bình dân, ngồi trà đá vỉa hè.

Theo đó, xét về mức độ an ninh an toàn cho các nhà lãnh đạo, thì Việt Nam luôn là quốc gia đảm bảo an toàn gần như tuyệt đối.

Thứ năm, uy tín trên trường quốc tế của Việt Nam đang được khẳng định

Có thể nói, vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế còn được xác định qua phẩm chất chính trị, ở đây là yếu tố con người với những đức tính dân tộc độc đáo xứng đáng là tấm gương cho nhiều dân tộc noi theo.  

Bác Hồ từng nói: “Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to, tiếng mới lớn”. Có thể, dư luận quốc tế hoài nghi về thực lực của Việt Nam. Và chúng ta chưa thể tự hào, cũng không “tự mãn” vỗ ngực nói ta đây lớn mạnh khiến mọi đối thủ phải dè chừng. Nhưng, thực tế đang chứng minh “chiêng” mình đang “to” dần và “tiếng” cũng lớn dần theo, đặc biệt là  trên các diễn đàn quốc tế đa phương lẫn song phương.

Ngoài việc tham gia APEC và tổ chức thành công APEC 2017, Việt Nam hiện còn tham gia hơn 70 tổ chức uy tín trên thế giới và khu vực, tiêu biểu như Liên hợp quốc (LHQ), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Liên minh Kinh tế Á – Âu (EAEU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)… Không một tổ chức nào Việt Nam tham gia một cách lấy lệ, mà luôn thể hiện vai trò tích cực và có nhiều hoạt động thực tiễn.

Thực tiễn đó mang lại một hệ quả tích cực, ngày nay, thế giới biết đến Việt Nam không chỉ là dân tộc yêu chuộng hòa bình, quật cường, anh dũng trong chiến tranh, mà còn là đất nước đổi mới thành công, thân thiện, ổn định về chính trị, có nhiều tiềm năng, kinh tế phát triển năng động, tích cực tham gia vào các công việc quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển.

Thế mới nói, Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần 2 được tổ chức tại Việt Nam, phần nào  minh chứng “thế và lực” của chúng ta đã khác, vận nước đang lên, đời sống kinh tế-chính trị ngày càng được cải thiện. Vị thế của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế  cũng được nâng cao.

Sông Hàn