Ban hành văn bản: Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...
Trước khi ban hành quyết định, mong những người có trách nhiệm cân nhắc thật kỹ và luôn nhớ lời của Hồ Chủ tịch “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…”.
Thông tư 02/2019 “ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam” do Bộ NN&PTNT ban hành đang gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, “danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành” đính kèm thông tư, có 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được Bộ cho phép lưu hành gồm: ngô, thóc, lúa mì, gluten, đậu tương, khô dầu, sắn, hạt các loại, thức ăn thô, phụ phẩm công nghệ chế biến các loại ngũ cốc DDGS, mía, các loại củ, các loại bã, thức ăn có nguồn gốc thủy sản, thức ăn có nguồn gốc động vật trên cạn, sữa và các sản phẩm từ sữa, dầu mỡ, dầu cá.
Xem xong danh sách, có thể hiểu những loại thức ăn chăn nuôi nằm ngoài danh mục trên sẽ bị cấm lưu hành. Điều đó có nghĩa là những sản phẩm thức ăn chăn nuôi vốn rất thông dụng như rau củ quả (trừ khoai, sắn) hay bèo, thân chuối… sẽ không được phép lưu hành.
Theo đó, đây là một sự bất hợp lí, bởi cơ quan chức năng đang áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Trong khi, “thức ăn chăn nuôi theo tập quán là thứ người dân vẫn sử dụng từ trước đến nay, không cần bất kỳ một cơ quan nhà nước nào cho phép cả. Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi theo tập quán của người dân có vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước chỉ nên hạn chế hoặc cấm đúng loại thức ăn đó thôi. Rất khó hiểu vì sao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại ban hành danh mục những thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành” - ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nói.
Có thể bạn quan tâm
Ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Người dân không được nuôi lợn bằng bèo, thân chuối
06:36, 12/03/2019
Đúng là rất khó hiểu lý do vì sao Bộ Nông nghiệp lại ban hành quy định như vậy. Vị đại diện Bộ này nói Thông tư không ảnh hưởng đến người dân sản xuất, nhưng dưới con mắt dư luận nó “đè” cổ người nông dân. Còn dưới góc nhìn chuyên gia thì nói như ông Nguyễn Minh Đức “chẳng nhẽ toàn bộ trí tuệ xã hội bị đóng khung trong hiểu biết của nhà làm luật?... Vì sai từ tư duy nên nó tiếp tục sai khi danh mục thiếu sót. Không thiếu sót mới lạ, Nhà nước làm sao khôn hơn xã hội được”.
Quả thật, cái chuyện “quy định vô lý” mới này không phải lần đầu xảy ra ở Bộ Nông nghiệp. Mà thời gian qua, rất nhiều vấn đề vô lý xảy liên quan đến Bộ chủ quản này, trong đó người dân đã quen tai với điệp khúc “được mùa rớt giá” hết sản phẩm này đến sản phẩm kia. Thay vì tìm giải pháp, ngành nông nghiệp lại cho rằng do người nông dân rằng họ chăn nuôi tự phát, không nghe khuyến cáo mới dẫn đến hậu quả như vậy.
Còn nhớ, ông Lê Văn Bảnh - Cục trưởng Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN&PTNT) nói thế này: “Chẳng có đất nước nào như Việt Nam có thể sản xuất hàng loạt sản phẩm nông nghiệp, nhưng lại chỉ trông chờ vào việc bán sản phẩm chủ yếu ở dạng thô. Nông dân cũng còn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy bán mà không liên minh, liên kết thì làm sao làm ăn lớn được? Đó là chưa kể hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, đặc biệt nhiều sản phẩm phải bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài”.
Xin thưa, trách nhiệm của Bộ chủ quản là ở chỗ đó đấy ạ! Tại sao Bộ chủ quản lại để người dân sản xuất nhỏ lẻ? Tại sao những người có trách nhiệm cao nhất với nền sản xuất nông nghiệp lại không thể tìm đầu ra phong phú cho sản phẩm nông nghiệp của mình? Tại sao một nước có nền nông nghiệp lâu đời, có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp mà đến nay vẫn có hơn 80% lượng nông sản chưa có logo, thương hiệu? Để rồi, chính bản thân người nông dân gặp khó ngay trong chính quá trình sản xuất của mình.
Cũng liên quan đến chuyện ban hành văn bản, dư luận vẫn đang còn cảm thấy “sốt” với quan điểm “không nên viết văn bản chỉ để cho sướng tay” của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trong buổi làm việc với Sở Giao thông Vận tải mới đây: “Nếu mình là người dân thì mình thấy quy định này có hợp lý hay không? Anh đã phải đương đầu với dư luận, báo chí, xã hội, anh sẽ thấy tôn trọng lợi ích của các bên liên quan không, chứ không có chuyện mình viết ra một văn bản mình cứ viết cho sướng tay” – Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.
Tất nhiên, phạm vi cấp Bộ và cấp Thành phố có sự khác nhau, nhưng nó đều chung một điểm là công tác làm luật, ban hành luật. Nên, điều Bí thư Hoàng Trung Hải nói rất đáng để chúng ta suy nghĩ sang các lĩnh vực khác. Nghĩa là, trước khi ban hành một quyết định, rất mong những người có trách nhiệm hãy cân nhắc thật kỹ và luôn nhớ lời của Hồ Chủ tịch “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh…”.
Đừng bao giờ có cái suy nghĩ toàn bộ trí tuệ xã hội bị đóng khung trong hiểu biết của nhà làm luật? Đừng làm các chuyên gia kinh tế càng nghĩ càng bế tắc, còn người nông dân càng làm càng phá sản, càng nghèo.