Đừng “nhốt” cuộc sống vào “lồng” pháp luật
Ý chí chủ đạo của các cơ quan hữu quan dường như muốn làm ra những “túi hậu thiên” để “nhốt” cuộc sống vào trong cái lồng pháp luật.
Thật nực cười, khi không cho thỏ ăn cà rốt! Câu chuyện thật như đùa này lại nằm ngay ở Thông tư số 02/2019 của Bộ NN&PTNT ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu được phép lưu hành tại Việt Nam, vừa có hiệu lực thi hành.
Trong phim Tây Du Ký, có một bảo bối mà đến ngay cả Tôn Ngộ Không và thiên binh thiên tướng cũng đều… bất lực trước nó. Đó là “túi hậu thiên”. Bảo bối này có có thể hút vạn vật, mở miệng túi có thể hút được cả trời đất. Và nếu so sánh, dù hơi khập khiễng, thì câu chuyện về “túi hậu thiên” hoàn toàn có thể áp cho sự “quyền biến” của các cơ quan chức năng hiện nay khi có những văn bản pháp luật phi thực tiễn.
“Chiếc lồng” pháp luật
Ý chí chủ đạo của các cơ quan hữu quan dường như muốn làm ra những “túi hậu thiên” để “nhốt” cuộc sống vào trong cái lồng pháp luật, bất kể thực tế cuộc sống phong phú và rộng lớn hơn cái túi của các cơ quan hữu quan. Đơn giản như câu chuyện Grab. Bộ GTVT cứ muốn “nhốt” tất cả các loại hình vận tải, vận chuyển hành khách vào cái túi taxi. Cũng bởi vì Luật Giao thông đường bộ chỉ nghĩ được 5 loại hình vận tải, vận chuyển hành khách. Khi Grab và các “hãng taxi công nghệ”, hay những chiếc xe Limousin sang trọng đón khách tận nhà, thì hóa ra cái “túi hậu thiên” mang tên Luật Giao thông đường bộ không còn phù hợp.
Hai câu chuyện đang thời sự gần đây là dự thảo quy chuẩn về nước mắm và danh mục thức ăn chăn nuôi được phép. Dự thảo quy chuẩn nước mắm thì, ngoài những tiêu chuẩn có vẻ đang nghiêng về cái gọi là “nước mắm công nghiệp”, thì có những quy chuẩn ngược đời về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đối với nguyên liệu nước mắm. Bởi thực tế chắc chắn không ai dùng hai loại thuốc này đối với... cá biển.
Vẫn còn đó những chính sách trên trời, trong khi cuộc đời thì ở mặt đất! Những văn bản thiếu thực tiễn nguyên nhân từ đâu và trị ra sao?
Hay Thông tư số 02/2019 của Bộ NN&PTNT quy định 18 loại sản phẩm thức ăn chăn nuôi được phép lưu hành. Theo đó, những loại rau củ quả thông dụng như cà rốt, rau muống (trừ khoai, sắn) hay bèo, thân chuối… sẽ không được phép lưu hành. Hệ quả là với những người nuôi thỏ, nếu cho thỏ ăn cà-rốt sẽ là… bất hợp pháp. Nhưng từ trước tới nay, có rất nhiều quy định phi thực tế như vậy. Người ta không hiểu tại sao với một nước nông nghiệp như Việt Nam lại chỉ được 150 thương nhân xuất khẩu gạo. Người ta cũng không thể hiểu tại sao những doanh nghiệp nhỏ kinh doanh gas, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa lại phải có tới 50.000 vỏ bình và bồn chứa 300m3…
Có thể bạn quan tâm
Ban hành văn bản: Việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...
11:00, 13/03/2019
Ban hành danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi: Người dân không được nuôi lợn bằng bèo, thân chuối
06:36, 12/03/2019
Và quyền tự do kinh doanh
Thật ra, cốt lõi vấn đề có lẽ do quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp chưa được các cơ quan hữu quan coi trọng đủ, dù nó được trang trọng ghi trong Hiến pháp. Cũng chính vì vậy, xu hướng đặt nặng quản lý nhà nước hoặc biến nó thành mục đích đầu tiên khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang chiếm ưu thế. Dễ thấy quản lý hay các điều cấm, các mức phạt… dường như được chú trọng hơn là tạo thuận lợi.
Trong khi đó, từ nhiều năm nay, quan điểm tiếp cận khi làm luật là “chọn bỏ” thay vì “chọn cho” như trước đây. Bởi với “chọn – cho”, thì người dân và doanh nghiệp chỉ được phép làm những gì pháp luật… cho phép. Trong khi đó, luật và các văn bản dưới luật chắc chắn không thể ghi hết tất cả những vấn đề của cuộc sống. Ấy là chưa kể cuộc sống luôn phát sinh những cái mới, những cái mà pháp luật, vốn luôn lạc hậu so với cuộc sống, không thể bao quát hết.
“Chọn-cho” vì thế gây ra tùy tiện, không minh bạch khi nó không tương thích nổi với cuộc sống, gây tốn kém vì bất minh đối với người dân và doanh nghiệp.
“Chọn-bỏ” được coi là phương pháp tiếp cận tốt nhất cho đến hiện nay. Tiến bộ đáng ghi nhận nhất là quy định 6 ngành nghề cấm kinh doanh được ghi trong Luật Đầu tư. Ngoài 6 ngành nghề bị cấm này, người dân được tự do kinh doanh.
Thế nhưng, có lẽ “chọn-bỏ” chưa phải là bắt buộc trong lập pháp hiện nay. Bởi vậy, người dân và doanh nghiệp mới bao phen khốn khổ khi nhiều cơ quan nhà nước cứ ôm tham vọng thiết kế nên những “túi hậu thiên” nhằm nhốt cuộc sống kinh doanh vào đó. Không khó để có thể tưởng tượng được rằng, nếu năng lượng của báo chí, người dân, doanh nghiệp... không cần phải đổ vào những cuộc tranh luận vì những quy định vô lý, thiếu thực tế của các cơ quan chức năng, thì nhiều điều tốt đẹp hơn sẽ được hình thành khi tự do của người dân và doanh nghiệp được tôn trọng ở mức cao nhất.
Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, VCCI: Thông tư 02/2019 của Bộ Nông nghiệp đi ngược tinh thần Hiến pháp Thông tư 02/2019 của Bộ NN&PTNT rất bất hợp lí bởi đang áp dụng phương pháp quản lý “chọn cho”, tức là người dân chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Điều này đi ngược với tinh thần của Hiến pháp, tức người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Dự thảo đưa ra danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán, nhưng thức ăn chăn nuôi theo tập quán mà người dân vẫn sử dụng từ trước đến nay liệu cơ quan bàn hành có biết hết không? Nếu việc sử dụng thức ăn chăn nuôi đó có vấn đề gì ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước chỉ nên hạn chế hoặc cấm đúng loại thức ăn đó thôi. Do đó, trong trường hợp này, thay vì danh mục các danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành ban soạn thảo chỉ cần đưa ra danh mục thức ăn chăn nuối cấm hoặc hạn chế lưu hành. |