Doanh nghiệp nhà nước: Những cơ thể khổng lồ… yếu ớt!

Trương Khắc Trà 14/04/2019 09:02

Không tôn trọng quy luật kinh tế, sức cạnh tranh sa sút là nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng bết bát của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có báo cáo sơ bộ về kết quả sản xuất kinh doanh của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2018. Tổng doanh thu 1,304 triệu tỷ đồng, con số mắc nợ lên tới 1,3 triệu tỷ đồng.

Nhìn con số có thể thấy tình trạng làm ăn bết bát của những “con cưng” một thời đầy ưu ái, nếu không muốn nói rằng, phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp chẳng phát huy tác dụng gì.

Trong đó, điển hình là Đạm Ninh Bình, tình trạng xấu đến mức không một ngân hàng nào dám “cứu”, nói như Chủ tịch Vinachem: “nếu tình trạng này kéo dài không thể kéo sập Đạm Ninh Bình mà còn kéo sập cả tập đoàn”.

Đạm Ninh Bình bi đát đến mức không thể cứu chữa

Đạm Ninh Bình bi đát đến mức không thể cứu chữa

Trong khi đó, khu vực kinh tế tư nhân tuy dưới sức ép của thủ tục hành chính, nguồn vốn, cạnh tranh khốc liệt… nhưng vẫn cho thấy khát khao tồn tại mãnh liệt. Phải chăng khác biệt ở động lực?

Có thể bạn quan tâm

  • Động lực mới cho cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

    Động lực mới cho cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

    11:56, 16/02/2019

  • Doanh nghiệp nhà nướcp/trước sứ mệnh mới

    Doanh nghiệp nhà nước trước sứ mệnh mới

    05:00, 10/02/2019

Hãy lấy ngành đường sắt làm ví dụ, được thừa kế di sản từ quá khứ, một thời vàng son nhờ chỉ số an toàn cao - đường bộ, hàng không chưa phát triển như hiện nay. Nhưng tất cả những gì đường sắt để lại là bộ máy cồng kềnh, phương tiện cũ kỹ, cung cách vận hành không khác mấy thế kỷ 19, tai nạn đường sắt ngày một nhiều…

Cận cảnh hơn, trên thế giới không còn nhiều nơi sử dụng đường ray khổ 1m như ở nước ta, do không tiến kịp thế giới nên trang thiết bị phục vụ đa số mua đồ không ai còn dùng, đã lạc hậu còn lạc hậu hơn.

Đường sắt “nặng nề” đến nỗi 7.000 tỷ đồng đầu tư sửa chữa được ví như “muối bỏ bể”, trong khi đó cả trăm năm kinh doanh độc quyền chẳng mấy dư dả, thậm chí bù lỗ nên dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam 56 tỷ USD chỉ là mơ ước xa xôi.

Vấn đề ở chỗ, không phải người ta không nhìn thấy tương lai mù mịt của đường sắt, mà do họ không có động lực đổi mới, sáng tạo vì mắc kẹt bởi thể chế, “một mình một chợ” quá lâu nên hoàn toàn mất tính cạnh tranh, “ngày thường thì thong thả, lễ tết thì hối hả chặt chém…”.

Sức cạnh tranh sa sút là nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng bết bát của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước.  

Về tình trạng này ngành mía đường lại là một minh chứng, đã hết thời nông trường mía quốc doanh rộng bát ngát phải chuyển sang mua nguyên liệu thị trường, vấp phải sự cạnh tranh của đường ngoại nhập nên nhiều công ty thua lỗ, nguy cơ phá sản…

Vì sao mía đường - một ngành có truyền thống lại dễ dàng “tan chảy” khi nền kinh tế hội nhập mạnh? Câu trả lời ở đây là tính cạnh tranh hầu như không có, quy cách sản xuất lạc hậu, bộ máy cồng kềnh nên rất dễ hiểu khi đường Lào, Thái Lan rẻ hơn, ngon hơn dễ dàng đánh bật.

Hiệp hội mía đường đã đề xuất Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc sau khi ATIGA có hiệu lực, chỉ cho nhập khẩu đường thô để tinh luyện và áp dụng cấp giấy phép nhập khẩu để theo dõi đường nhập khẩu nhằm đảm bảo điều tiết cung cầu tại các thời điểm nhất định.

Cùng với đó, áp thuế giá trị gia tăng bằng 0% đối với đường sản xuất trong nước hay dừng đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2019…

Một sự khẩn cầu phi thị trường có thể kéo dài tuổi thọ của doanh nghiệp mía đường, nhưng họ chẳng bao giờ lớn lên được nếu giữ khư khư tâm lý “sợ cạnh tranh” - không một doanh nghiệp nào có thể tồn tại được nếu bất tuân quy luật “cạnh tranh”, “cung cầu”…

Bơm vốn, ưu đãi chính sách quá đà chỉ làm doanh nghiệp nhà nước ủ thêm mầm bệnh khủng hoảng, tạo ra những cơ thể khổng lồ nhưng sức đề kháng kém cỏi, vì vậy những cái “đột quỵ” đương nhiên đến.

Cách tốt nhất cứu những đồng vốn còn lại là đẩy doanh nghiệp ra thị trường lớn, va chạm với đối thủ cạnh tranh để cơ chế “chọn lọc tự nhiên” thực hiện sứ mệnh của nó, những gì yếu kém sẽ lộ ra và đào thải.

Điều đó thích hợp với chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhưng chẳng hiểu sao quá trình này diễn ra chậm chạp.

Từ đây, còn nhìn thấy rõ “lợi ích nhóm” trong doanh nghiệp nhà nước, đó là tình trạng “sân sau”, “sân trước”, “thân hữu”… bớt xén tài sản nhà nước trước cú rẽ ngoặt cuối cùng.

Nếu vụ án AVG cho thấy “đất” tham nhũng khi doanh nghiệp nhà nước “mua vào” thì lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam lại phơi bày nhiều uẩn khúc khi doanh nghiệp nhà nước “bán ra”.

Như thế, dù bằng cách này hay cách khác thì tài sản nhà nước vẫn bị tìm cách tẩu tán, chiếm hữu.

Trương Khắc Trà