Chấn chỉnh bệnh “vung tay quá trán”
Những công trình đội vốn cả nghìn tỷ đồng đã và đang gây bức xúc dư luận trong suốt nhiều năm qua.
Nguồn: Internet
Theo kết quả kiểm toán năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều bất cập trong các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Hiệu quả sử dụng chưa tương xứng, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư; các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm.
Một dự án mới nhất mà KTNN "điểm mặt, chỉ tên" là dự án Trung tâm đào tạo cán bộ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tăng vốn 3.834% (từ 7 tỷ đồng lên 275 tỷ đồng do điều chỉnh quy mô, công năng sử dụng).
Có thể bạn quan tâm
Vì sao nhiều dự án ODA đội vốn nghìn tỷ?
15:58, 23/05/2019
Kỷ lục khủng khiếp: 4 lần điều chỉnh, dự án đội vốn gần 4.000%
09:05, 21/05/2019
Những dự án "đội vốn" nghìn tỉ ở Hải Phòng: Tiền đã chảy đi đâu?
09:30, 18/07/2018
“Xin - cho” đầu tư công và những công trình “siêu” đội vốn
11:28, 22/06/2018
Vì sao dự án nạo vét sông Sào Khê đội vốn 36 lần?
19:35, 02/06/2018
Dự án “đội vốn" từ 72 tỉ lên gần 2.600 tỉ đồng và những lý giải... "chấn động dư luận"
17:28, 28/05/2018
Trước đó, hàng loạt các dự án xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác, kéo theo điều chỉnh vốn nhiều lần cũng được điểm lại như: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP Hồ Chí Minh, tuyến Bến Thành - Suối Tiên điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư 29.937,6 tỷ đồng; Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng được điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 8.770 tỷ đồng lên 18.001,6 tỷ đồng... Thậm chí có dự án đội vốn gấp 39 lần so với ban đầu.
Hay như, dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, tăng 3.956 tỷ đồng (tương đương 233%); Dự án Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận tăng 2.687 tỷ đồng (tương đương 105%); Dự án xây dựng tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tăng vốn 3 lần với gần 150 tỷ đồng..v..v.
Tựu chung những “siêu dự án” kia “siêu đội vốn” với những lý do muôn đời là “cha chung không ai khóc” hay dùng “tiền chùa” nên ngân sách là của chung, không ai cảm thấy đau nên tình trạng chậm tiến độ, đội vốn và vô trách nhiệm là điều hoàn toàn có thể được xem là “chấp nhận được” của cán bộ quản lý có trách nhiệm.
Nói cách khác, những công trình đội vốn cả nghìn tỷ đồng đã và đang gây bức xúc dư luận trong suốt nhiều năm qua, nó đến từ “căn bệnh vung tay quá trán", không có nguồn nhưng vẫn cố làm to, hoành tráng, thậm chí còn có tư duy "tiền chùa", dẫn đến chi tiêu lãng phí, đội vốn.
Nhìn qua một con số khác để thấy nó liên quan đến vấn đề quá trình “lụt” ngân sách vì những “siêu dự án” trên. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV mới đây, Bộ Tài chính gửi báo cáo về tình hình nợ công năm 2018 tới các Đại biểu Quốc hội cho thấy, thì tỷ lệ nợ công Việt Nam đã giảm xuống dưới 60% GDP, ở mức 58,4% GDP và cũng là mức thấp nhất 3 năm qua.
Tuy nhiên, với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ thì bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công năm 2018. Với một quốc gia đang phát triển, thoát nghèo thì con số gánh nợ trên đầu của mỗi người như vậy là quá lớn.
Việc ngân sách phải gồng gánh thêm chi phí, người dân phải mất rất nhiều chi phí cơ hội cho tiền thuế của mình và chịu hệ luỵ khác. Vậy các đơn vị tư vấn sẽ là bên chịu trách nhiệm, hay người chọn tư vấn, hay ai đó sẽ chịu trách nhiệm cho điều này? Dường như vấn đề này vẫn chưa được thông tỏ khi hai chữ “trách nhiệm” vẫn còn mường tượng một cách chung chung.
Thậm chí, đã và đang có những người đương chức, đương quyền là lãnh đạo các dự án “siêu dự án” này có thể “thăng quan, tiến chức” trước những sai phạm và để xảy ra tình trạng siêu đội vốn này.
Để giải quyết vấn đề từ gốc, việc cần làm ngay là phải siết chặt đầu tư công, chấn chỉnh bệnh “vung tay quá trán”. Phải có cá nhân, cơ quan có thẩm quyền đứng ra chịu trách nhiệm về đầu tư công. Những dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc được Nhà nước bảo lãnh vay vốn đầu tư nước ngoài, vay vốn ODA, thì phải siết chặt từ khâu thẩm định các nhân tố có thể hình thành nên dự án.
Làm tốt khâu này thì hãy đầu tư, chứ không phải cứ vẽ dự án ra để “ăn” tiền ngân sách, còn hiệu quả thế nào không ai chịu trách nhiệm!