Vảy cá lóc về đâu?
Những ngày qua, tại làng nghề khô Phú Thọ - Tam Nông - Đồng Tháp đang diễn ra cơn “khát” vảy cá lóc khi nó được đẩy giá lên hàng chục lần…
Bán được tiền, cứ bán, nhưng tất cả không ai biết người lạ mặt thu mua vảy cá lóc để làm gì. Đáng quan ngại, tất cả những mặt hàng lạ lùng từ trước tới nay vẫn mù mờ về công dụng, bán đi đâu, làm gì?
Ông Đỗ Công Bình - Giám đốc Công ty cổ phần khô Tứ Quý cho biết: “Hàm lượng collagen trong vảy cá lóc, cá rô phi rất ít, thật sự không biết mua để làm gì, chỉ có thể phơi khô, xay nhuyễn làm thức ăn chăn nuôi”. Ông Bình nghi ngại, “nếu thu gom nhưng thương lái ngưng đột xuất, rất khó xử lý trong vấn đề môi trường. Bởi vì, vảy cá sẽ dễ phát sinh ruồi nhặng, gây ô nhiễm môi trường, nếu bảo quản không tốt”.
Câu chuyện về xuất hiện một nhóm người lạ đến thu mua đỉa với giá rất cao tại một số địa phương đặc biệt là các quận, huyện vùng ven TP HCM diễn ra cách đây không lâu còn chưa phai trong kí ức của nhiều người. Khi đó phát hiện thấy món hời, nhiều người đổ xô bắt đỉa bán, đột nhiên thương lái dừng thu mua, đỉa tràn ra ruộng đồng…
Rồi đến năm ngoái, tại Đồng Nai cũng xuất hiện nhóm người lạ mua rễ tiêu. Trồng cây tiêu rất khó vì yêu cầu kỹ thuật cao, sản phẩm tiêu là mặt hàng chiến lược của nền nông nghiệp Việt Nam, đào rễ bán coi như tự đập bể bát cơm của mình!
Có thể bạn quan tâm
Mất ổn định nền nông nghiệp: Không chỉ bán rễ tiêu!
06:41, 16/05/2018
Thái Bình: Liệu có phải “giải cứu” ớt?
17:08, 03/03/2019
Hàng loạt dự án điện gió, điện mặt trời sẽ được "giải cứu"
11:30, 03/03/2019
Sao phải “giải cứu” gạo?
18:38, 02/03/2019
Hành trình "giải cứu" vỏ hộp sữa giấy để bảo vệ môi trường
08:44, 14/11/2018
Làm sao giảm bớt giải cứu nông sản?
13:05, 31/10/2018
Rất nhiều câu chuyện tương tự như mua lá điều, móng trâu... giá đẩy lên cao rồi đột nhiên bặt vô âm tín, để lại muôn vàn hệ lụy cho người nông dân và ngành nông nghiệp. Tưởng chừng người nông dân và cơ quan chức năng đã thuộc lòng chiêu thức kinh doanh kỳ quái của thương nhân nước ngoài và có cách ngăn chặn.
Việc mua bán xoay vòng, sau khi thu được cả lời lẫn vốn thì đầu nậu bỏ chạy trong sự hoang mang của người nông dân đã được cơ quan Hải quan cảnh báo vì chưa thấy những mặt hàng đặc biệt này được xuất ra khỏi cửa khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, điều nghiêm trọng hơn là sự lỏng lẻo trong cơ chế vận hành của các cơ quan quản lý thị trường, ai muốn vào thì vào, buôn bán gì cũng được.
Thương nhân nước ngoài đã dễ dàng lũng đoạn thị trường chỉ bằng cách làm đơn giản. Đáng buồn hơn, chỉ bằng những chiêu thức đơn giản mà hết lần này đến lần khác nó cứ diễn ra cùng ẩn chứa biết bao âm mưu phá hoại, gây rối ren lên chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Một câu hỏi đặt ra cho các nhà quản lý: Họ ở đâu khi thương nhân nước ngoài thu mua các mặt hàng “hiểm ác”? Chúng ta có thể nói rất nhiều về các mục tiêu mang tầm thế kỷ, nhưng một khi bát cơm lớn nhất của nền kinh tế là ngành nông nghiệp chưa được bảo vệ thỏa đáng thì đó là điều đáng lo ngại.