Góc khuất Nam Hội An
Nhiều năm qua, bài toán ổn định cuộc sống người dân tại Nam Hội An sau giải tỏa đền bù dường như vẫn chưa có lời giải đáp...
Vùng Nam Hội An có qui mô qui hoạch 985 ha, có 4 xã chịu ảnh hưởng thu hồi đất là Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và Bình Dương, Bình Minh (huyện Thăng Bình). Trong đó, xã Duy Hải có qui mô thu hồi 560ha đất, nhiều nhất trong các xã còn lại.
Sống dựa vào tiền đền bù
Nhiều người dân địa phương cho biết sau khi di dời, phần đất nông nghiệp bị thu hồi, nông dân không còn đất để canh tác. Nhiều người cả đời chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thì nay - khi không còn đất nên chẳng biết bám vào đâu.
Bà Nguyễn Thị Tằm (xã Duy Hải) cho biết, gia đình bà có 7 nhân khẩu, bị thu hồi cả đất ở và đất hoa màu. “Cả đời tôi từ xưa đến nay chỉ biết làm nông để mà trang trải cuộc sống. Sau khi được giải tỏa vào khu tái định cư (TĐC) mới, được chia 2 lô đất để xây nhà ở, thì tôi mất luôn cả việc làm, chỉ biết sống dựa vào tiền đền bù giải tỏa.
Cũng theo bà Tằm: “Hiện tại đa phần người dân lao động nông nghiệp sau khi di chuyển vào khu TĐC đều rỗi việc, vì những người lớn tuổi chỉ quen với ruộng đồng nên rất khó tìm việc khác. Mà nếu chúng tôi muốn thay đổi công việc thì phải tốn công đi học, mà với độ tuổi này thì khó. Tất cả cả việc làm hiện nay đều yêu cầu trong độ tuổi lao động và có chuyên môn, còn chúng tôi thì không.”
Chung cảnh ngộ với gia đình bà Tằm, gia đình bà Hồ Thị Mỹ cũng đang chật vật với nơi ở mới. Sau khi nhận đất để xây nhà ở, bà Mỹ đã bỏ ra hơn một nửa số tiền đền bù để xây nhà, nhưng sau khi sắp hoàn thiện nhà thì tổng số tiền ông phải trả gần bằng với số tiền nhận được. Thế là bà đành bán lô đất mà xã đã cấp trước đó, rồi tìm khu đất nhỏ hơn để mua xây lại ra ở. Khoảng tiền còn thừa bà lại để dành dưỡng già cho mình.
Có thể bạn quan tâm
Chính quyền bế tắc
Ông Trần Văn Siêm, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải thừa nhận việc người dân thất nghiệp là có, và bài toán giúp người dân ổn định sau khi bị thu hồi đất rất khó để giải.
“Nam Hội An” chỉ là một ví dụ trong rất nhiều câu chuyện tương tự xảy ra ở nhiều nơi, về bất cập trong công tác quy hoạch chính sách thu hồi đất, công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định nguyên tắc bồi thường về đất theo hướng người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường theo quy định thì được bồi thường bằng đất, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền; quy định cụ thể việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo sinh kế cho người dân sau khi thu hồi đất...
Tuy nhiên, thực tế, việc triển khai tại nhiều địa phương mới chỉ quan tâm đến TĐC cho người nông dân bị thu hồi đất mà chưa quan tâm đúng mức việc mở ngành nghề mới, bảo đảm thu nhập và việc làm cho bà con. Một quy định ràng buộc trách nhiệm các đơn vị và cá nhân cụ thể là điều kiện không thể thiếu để ổn định và phát triển đời sống những người nông dân bị thu hồi đất trong quá trình CNH, ÐTH.