Chi phí pháp luật đắt đỏ và... khó lường
1.958 - Con số này không phải là một thời điểm, mà là số lượng các văn bản không phù hợp về nội dung, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương được phát hiện từ 2016 tới nay.
Đây là số liệu được ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp công bố.
Phó viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu từng phát biểu: “Pháp luật rất đắt đỏ”. Theo cách hiểu này, thì 1.958 văn bản ấy không biết đã gây ra bao nhiêu thiệt hại cho nền kinh tế nói chung, cộng đồng kinh doanh nói riêng.
Khó tính toán thiệt hại
Cả nước hiện có hơn 200 luật, khoảng 2.000 nghị định và hơn 6.000 thông tư có hiệu lực, mỗi năm các bộ ban hành khoảng hơn 1.000 thông tư. Một rừng quy định như vậy không hẳn là điều xấu, nhưng chắc 1.958 văn bản không phù hợp nói trên là một điều rất tệ. Tệ không chỉ vì những ách tắc, chồng chéo mà những văn bản vô lý, vi hiến, trái luật gây ra, mà còn là câu chuyện năng lực ban hành văn bản của các cơ quan có thẩm quyền.
Từ 2016 tới nay qua rà soát 86.000 văn bản mà đã phát hiện ra tới 1.958 văn bản không phù hợp về nội dung và thẩm quyền thì nếu tính thêm các văn bản không phù hợp về các vấn đề khác sẽ thì con số sẽ lên tới bao nhiêu? Khó có thể đánh giá hết được.
Hẳn nhiên, ông Đồng Ngọc Ba có lý khi nói: “Thực tế, chúng ta ít khi nói tới văn bản tốt, phù hợp, nhưng với số lượng văn bản lớn như vậy thì việc sai sót là khó tránh khỏi, phần lớn các văn bản là phù hợp và đóng góp tích cực, tất nhiên cũng có những văn bản chưa phù hợp”.
Nhưng người ta cần hiểu rằng: bất kể một sự không phù hợp nào của quy định pháp luật sẽ dẫn đến những thiệt hại không chỉ tính bằng tiền. Thiệt hại đó còn có thể là cơ hội kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, kéo theo là công văn việc làm của người dân và trên hết là quyền tự do kinh doanh Hiến định cũng như các quyền con người, quyền công dân khác.
Quyền kinh doanh bị hạn chế
Một trong những nguyên tắc đã được xác định rất trịnh trọng trong Hiến pháp là: mọi quyền cơ bản của công dân, quyền con người chỉ có thể bị hạn chế bằng luật. Nhưng thật không may, nếu xem xét chỉ riêng các điều kiện kinh doanh thôi, thì quyền tự do kinh doanh, thậm chí là quyền làm việc, quyền lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc cũng bị ảnh hưởng. Đơn cử như những điều kiện về bằng cấp, chứng chỉ, năng lực dân sự… đều có nguy cơ hạn chế những quyền này.
Có thể do Nhà nước “quá lo nghĩ” cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nên đặt ra nhiều điều kiện, quy định nhằm đảm bảo tốt nhất cho thị trường. Ấy là nhìn theo hướng tích cực. Nhưng ở một góc độ khác, thì cũng chính sự “quá lo nghĩ” ấy sẽ khiến nhiều người, nhiều tổ chức, doanh nghiệp mất đi cơ hội thực hiện những quyền cơ bản của mình.
Tính ra, dù nhà nước có đặt ra các loại quy định có vẻ phù hợp đi chăng nữa, thì không ai khác hơn là chính doanh nghiệp, tổ chức và người dân sẽ biết cách tổ chức việc làm, sản xuất, kinh doanh hợp lý nhất cho mình, bất chấp những quy định có vẻ hợp lý do nhà nước đưa ra.
Chẳng hạn mấy tháng trước đây, ngành du lịch một phen thất kinh khi có quy định người kinh doanh dịch vụ lữ hành phải có bằng cấp, chứng chỉ về lĩnh vực này. Đương nhiên, Bộ VH-TT-DL có thể nại ra rằng, điều kiện ấy là do Luật Du lịch đã quy định.
Nhưng cũng chính thực tế đã cho thấy, nếu căn cứ vào quy định như vậy thì một doanh nhân nổi tiếng về du lịch là ông Trần Trọng Kiên, người đang đóng vai trò rất lớn trong Diễn đàn cấp cao về du lịch lần 2 tới đây, sẽ không đủ điều kiện làm du lịch.
Những nghịch lý ấy liệu Nhà nước có thấy để giải quyết những xung đột, chồng chéo giữa các quy định pháp luật với nhau và giữa các quy định pháp luật với thực tế hay không? Chắc hẳn có. Nhưng vì sao vẫn rất nhiều quy định “không phù hợp” được phát hiện ra?
Tổ công tác của Thủ tướng đã chỉ ra, nếu chỉ riêng các cơ quan rà soát, kiểm tra văn bản đã là 23.000 mà còn làm việc không xuể, vẫn để cho tới 1.958 văn bản không phù hợp được ban hành, thì rõ ràng quy mô của nhà nước dường như đang quá to so với thị trường.
Mà hẳn nhiên, nhà nước càng to thì thị trường càng bị o ép. Bởi khi nhà nước “thò tay” can thiệp, thì cũng chính là lúc vai trò của thị trường trở nên ít hiệu quả.
Và đây có thể là nguyên nhân đầu tiên, chủ yếu và quyết định đến tình trạng nhiều văn bản không phù hợp được ban hành.