1/4 thế kỷ “động lực” tư nhân

Đại Dương 01/01/2020 06:00

Thật ra thì dù được công nhận hay không thì kinh tế tư nhân vẫn đóng một vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế.

Bởi dù thế nào đi nữa thì chính người dân mới là chủ thể của xã hội. Nơi đó, đời sống của họ gắn chặt với cuộc sống và chính người dân vẫn là nền tảng chủ yếu của “tồn tại xã hội”.

“kinh tế tư nhân” vẫn rất cần được “cởi trói”.

Kinh tế tư nhân vẫn rất cần được “cởi trói”.

Bối cảnh chiến tranh và sự lựa chọn mô hình phát triển, mô hình thể chế trong quá khứ một thời gian đã vô tình đặt kinh tế tư nhân ra khỏi đời sống xã hội. Nhưng dù vậy, thì kinh tế tư nhân, vốn là phần tất yếu của bất kể một đời sống xã hội nào, vẫn âm thầm vận động theo quy luật của nó. Có thể, ở mỗi thời kỳ, vai trò của kinh tế tư nhân có bước thăng, trầm do ý chí của nhà cầm quyền, thì sự tồn tại của nó vẫn khó có thể phủ nhận.

Tất nhiên, ở một góc độ nào đó, quy luật vận động của một xã hội đặc thù như ở Việt Nam có thể kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân. Nhưng không vì vậy mà vai trò của nó lại giảm đi đến mức không còn hiện diện. Trong giai đoạn trước đổi mới, kinh tế tư nhân có phần “lép vế” so với kinh tế nhà nước. Nhưng trước những đòi hỏi sinh tồn của từng cá nhân trong xã hội, kinh tế tư nhân vẫn vận hành ở một dạng thức khác khi mà kinh tế nhà nước chưa hẳn đã “bao cấp” đủ cho cả xã hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh tế tư nhân “lấn sân” nhà nước

    05:08, 29/12/2019

  • Tăng trưởng kinh tế 2020: Động lực từ kinh tế tư nhân

    11:00, 27/12/2019

  • Kinh tế tư nhân là “động cơ” của nền kinh tế

    16:30, 22/12/2019

  • Sức vươn mạnh mẽ từ khu vực kinh tế tư nhân

    11:05, 19/12/2019

  • Thủ tướng Chính phủ: Tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển

    00:14, 01/12/2019

  • “Tạo mọi điều kiện để tiếp tục phát triển kinh tế tư nhân trong thời gian tới”

    18:16, 08/11/2019

  • Kinh tế tư nhân: Động lực cất cánh của nền kinh tế Việt Nam

    15:30, 10/10/2019

Nên nhớ rằng, đổi mới 1986 nổ ra một phần cũng là từ sự bức thiết của đời sống và sự vận động không ngừng của kinh tế tư nhân. Nó cứ âm thầm như máu trong huyết quản để duy trì sự sống của cả một quốc gia, sự tồn tại của cả một dân tộc và sửa chữa những khuyết tật trong tư duy của cả một thể chế. Nói thế để thấy rằng, những biến đổi của thời cuộc dù sao vẫn chỉ là giai đoạn, còn kinh tế tư nhân vẫn là tất yếu. Bởi nếu không như vậy thì từ 1986 đến 2006, tức là mất 20 năm, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, thì kinh tế tư nhân mới được nhìn nhận cách chính thức trong văn kiện Đại hội X của Đảng.

Đương nhiên, không có một sự thay đổi nào là dễ dàng đối với một nếp tư duy đã tồn tại hàng mấy thập kỷ. Cũng chính vì vậy mà từ 2006 đến nay, kinh tế tư nhân dù được nhìn nhận là một động lực, có vai trò quan trọng, đến là một trong những động lực quan trọng… thì gần 1/4 thế kỷ ấy vẫn cho thấy một sự “lưỡng lự”. Bây giờ, “kinh tế tư nhân” không còn phải là một điều cấm kị, nhưng vì một quán tính lịch sử mà cho đến nay, “kinh tế tư nhân” vẫn rất cần được “cởi trói”.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. 

Kể ra, đây là một trong những định hướng quan trọng và cụ thể của Đảng về kinh tế tư nhân. Và lẽ ra nó phải được vận dụng một cách tốt nhất để tạo ra một môi trường pháp lý, môi trường kinh doanh hoàn thiện để kinh tế tư nhân bật dậy.

Ấy vậy nhưng, phải đến khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một lần phát biểu nói rằng: “Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng, tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng...”, thì khi đó dường như một sự “an tâm” cần thiết mới được thiết lập.

“Ném đá dò đường”, đương nhiên là một phương cách tốt. Nó có thể giúp cho việc “quản trị rủi ro” được triển khai cách tiệm tiến và thận trọng, tránh được những hệ lụy không cần thiết. Nhưng cũng chính phương cách này có thể lấy mấy nhiều thời gian để phát triển trong khi tiến trình thịnh vượng quốc gia cần có những cú đột phá như đổi mới 1986.

Đại hội XIII của Đảng đang ngày càng gần. Cần đột phá vào đâu vẫn làm đau đầu những người tâm huyết và cơ quan soạn thảo văn kiện. Các ý kiến đóng góp vẫn đang được thu thập và cập nhật. Vẫn có cả những đoàn đi nghiên cứu, học tập tận nước Mỹ xa xôi. Và ở quốc nội thì những tổ chức, cá nhân, kể cả tổ chức quốc tế cũng đóng góp những ý kiến xác đáng.

“Tăng trưởng của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trên con đường trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này thông qua môi trường kinh doanh, kết cấu hạ tầng và thể chế thị trường”, ông Osmane Dione, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nói.

Đây chỉ là một trong 8 nhóm khuyến nghị chính sách đã được các đối tác phát triển của Việt Nam gửi tới Tổ Biên tập Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Xem ra, động lực quan trọng của nền kinh tế, tức kinh tế tư nhân, vẫn cần có những bước đột phá quan trọng khác.

Mà đột phá quan trọng nhất có lẽ vẫn là tư duy về kinh tế tư nhân, bắt đầu từ những góp ý quan trọng để hình thành nên văn kiện của Đại hội XIII. Nếu không, chắc sẽ phải mất 1/4 thế kỷ nữa để đưa kinh tế tư nhân về với bản chất vốn có của nó.

Đại Dương