Hãy giữ những "nếp nhăn" của thành phố
Hàng chục địa danh lịch sử của TPHCM chỉ còn là ký ức trước sự phát triển từng ngày của thành phố mang tên Bác...
Bất kỳ một quốc gia, một thành phố nào khi đang trên đà phát triển đều ít nhiều phải dỡ bỏ đi các công trình di tích, văn hóa và lịch sử. Đây là một tất yếu và cũng là xu thế mà những nhà chức trách cho rằng đó là quy luật. Tuy nhiên họ quên mất đi rằng có những địa danh đã trở thành biểu tượng “quốc dân”. Không thể cứ thích là phá, là tháo dỡ.
Những công trình kiến trúc xưa cũ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh ký ức đô thị, và tạo nên bản sắc riêng cho từng thành phố. Ta đến thủ đô Hà Nội thì phải thấy có tháp rùa, có lăng Bác. Đến Hải Phòng phải thấy bến cảng, thấy hoa phượng nở rợp trời và đến Sài Gòn phải thấy chợ bến Thành, nhà thờ Đức Bà…
Hơn thế nữa, những công trình đó còn gắn bó với cuộc sống của người dân đô thị, ghi dấu ấn của từng giai đoạn phát triển lịch sử. Đó còn là “nơi đất ở đã hóa tâm hồn” để mỗi người con khi xa quê còn có miền ký ức đau đáu để nhớ về quê hương.
Có thể bạn quan tâm
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ]: Ấm tình người Sài Gòn
06:43, 19/01/2020
Tư hữu hóa sông Sài Gòn, TP.HCM "sờ gáy" từng dự án
06:30, 18/12/2019
TPHCM - một thành phố hiện đại, năng động, một “vùng đất hứa”, một trung tâm kinh tế thương mại lớn. Đây còn là vùng đất với hơn 300 năm lịch sử, một đô thị hơn 300 tuổi với nhiều giá trị văn hóa cần phải được gìn giữ và bảo tồn. Thế nhưng hiện nay, nhiều di tích cổ xưa của Sài Gòn xưa đang bị “phá hủy” trong quá trình đô thị hóa.
Thế nhưng, áp lực của sự phát triển theo xu hướng hiện đại và quá trình đô thị hóa, những di sản kiến trúc luôn phải đối mặt với tình trạng đe dọa bị tháo dỡ hoặc phá bỏ. Có những công trình đã bị “loại bỏ” để phù hợp với sự phát triển của thành phố,18 địa danh lịch sử đã mất tích không còn dấu vết.
Một trong những địa danh như: Thương xá Tax, cầu ba cẳng độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á ở kênh Hàng Bàng, Tháp quan sát phòng cháy chữa cháy đầu tiên của thành phố trong Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, Nhà đèn Chợ Quán hay Công viên Chi Lăng... Tất cả đã mất dần không còn lại một dấu vết nào, giống như chúng chưa hề có mặt ở thành phố này.
Kiến trúc sư danh tiếng của thế kỷ 20 là Le Corbusier từng nói: “diện mạo của một thành phố lâu đời giống như khuôn mặt người lớn tuổi. Mà đã là khuôn mặt người lớn tuổi thì không thể không có nếp nhăn, có vết nám, thậm chí là cả những vết sẹo.Nhưng đó mới là khuôn mặt người. Nếu không có chúng, thì đó là khuôn mặt của manơcanh, bóng mịn, vô hồn. Những di sản văn hoá - lịch sử - kiến trúc cũng chính là những nếp nhăn của khuôn mặt thành phố vậy”.
Việc cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp thì không tránh khỏi động chạm đến phần cổ, phần cũ của cơ thể thành phố. So với Hà Nội và nhiều thành phố lớn khác như Bangkok, Jakarta, Bắc Kinh thì TP.Hồ Chí Minh không có nhiều di sản và di tích hoành tráng. Nhưng có lẽ những người thực thi muốn Sài Gòn là “thành phố trẻ” nên cần trang điểm và “tân trang” lại cho giống một thiếu nữ đang dậy thì?
Một mảnh đất sinh ra với nhiều lịch sử khác nhau, dù giai đoạn đó như thế nào thì chúng vẫn là lịch sử. Thử hình dung ra Paris hoa lệ sẽ ra sao nếu Tháp Eiffel không còn ở đó, hay những người thực hiện lại cho rằng mọi sự so sánh là khập khiễng. Có lẽ cơ chế để công nhận hay bảo vệ những địa danh một cách xứng đáng trước khi chúng biến mất đã không được chú ý?
Nhưng ở đây có điểm bất cập là Luật Di sản hiện nay chưa hoàn thiện. Ví dụ như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố đẹp kiệt tác nhưng lại không được công nhận di sản. Hơn nữa, để bảo vệ phải tạo được cơ chế, khi muốn động đến di sản phải được Chính phủ, hội đồng khoa học cho phép, trên cơ sở đồng thuận của người dân.
Thành phố nào cũng phải phát triển, rộng lớn hơn, hiện đại hơn. Nhiều công trình xưa cũ có thể phải thay thế, nhưng cái vượt lên trên tất cả là thái độ với lịch sử.
Hiện nay, tại các đô thị châu Á đang lan hỏa rất nhanh xu hướng “quy hoạch có sự tham gia của cộng đồng” có nguồn gốc từ Nhật Bản. Khác với cách thông thường mà các đô thị ở Việt Nam hiện nay đang làm, chủ yếu là tiếng nói của các nhà chuyên môn và chính quyền đô thị.
Trong xu hướng mới này, huy động sự tham gia của người dân ngay từ những khâu đầu tiên trong công tác bảo tồn các công trình di sản kiến trúc để cùng thảo luận nên bảo tồn cái gì?
Điều đặc biệt nhất là họ phải nhận thức được rằng những công trình đã có giá trị lịch sử như vậy thì nó có thể có những giá trị to lớn hơn rất nhiều, lớn hơn khối lượng vật lý, lớn hơn khối lượng vật chất mà các công trình mới đem lại. Nếu họ hiểu được cái giá trị đó nó sinh lời được cho họ và họ có thể được hưởng lợi từ việc bảo tồn này thì tôi tin tưởng việc bảo tồn này không phải là cái thứ phong trào.
Sẽ không còn nhận ra một thành phố nếu chỉ có nhà cao tầng vươn lên trong mây xanh mà không còn bất kỳ một công trình lịch sử nào. Một thành phố không có bất kỳ một nét đặc trưng nào của riêng mình, tất cả chỉ có công nghiệp và sự vội vã.
Từng được ví là hòn ngọc Viễn Đông cũng bởi nơi đây có những nét của riêng Sài Gòn. Tuy nhiên, nếu cứ phá dỡ các địa danh lịch sử nhanh chóng như thế này thì chẳng bao lâu nữa Sài Gòn sẽ chỉ còn là một địa danh công nghiệp và lờ nhờ như một cô gái “dao kéo”, không còn nét duyên níu chân lữ khách nữa. Đây chính là cái tâm và cái tầm của người làm về văn hóa và phát triển của thành phố.